
Bình Thuận: Phát hiện, thu giữ nhiều nhớt tái chế trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an các địa phương trong toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý kịp thời 05 vụ tái chế nhớt thải trái phép, thu giữ hơn 100.000 lít nhớt thải.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, ngày 21/6, Công an thị xã La Gi đã phát hiện và thu giữ khoảng 28.000 lít nhớt tái chế tại trụ sở của một công ty tái chế phế liệu ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi do ông N.Q.Q (SN 1988, trú tại phường Phước Hội, thị xã La Gi) là người đại diện theo pháp luật.
Qua làm việc, chủ cơ sở này cho biết: Số nhớt thải trên được thu mua từ các cửa hàng sửa chữa xe máy, garage, trung tâm bảo trì và sửa chữa ô tô,... ở các vùng lân cận; sau đó, được vận chuyển về địa điểm trên để chưng cất lại. Người này cũng thừa nhận hoạt động tái chế nhớt thải của cơ sở là do bản thân đứng ra tổ chức, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động thu gom, xử lý chất thải nguy hại, không có hồ sơ pháp lý có liên quan và hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.

Tiếp đó, ngày 06/02, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã phát hiện, bắt giữ 01 vụ xử lý nhớt tái chế nguy hại tại một phân xưởng không có giấy phép trên địa bàn xã Hàm Chính do L.A.H (SN 1994, trú xã Tân Phước, thị xã La Gi) vận hành, thu giữ 34.000 lít dầu nhớt thải, 6.000 lít dầu đã xử lý và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình xử lý tái chế nhớt (NaOH, H2SO4 98%, H2O2).
Đa số các cơ sở tái chế nhớt thải trái phép thường được các các đối tượng bố trí nằm trong các khu vực hẻo lánh, địa hình phức tạp, xa khu dân cư, thường xuyên cử người cảnh giới nhằm trốn tránh cơ quan chức năng. Việc tái chế nhớt thải trái phép không chỉ làm ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, đe dọa sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các đối tượng đã bất chấp, cố tình thực hiện các hành vi phạm pháp luật.
Với quyết tâm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi này, thời gian qua, Công an các địa phương đã luôn chủ động triển khai nắm tình hình, tập trung lực lượng thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến sản xuất, buôn bán dầu nhớt thải tái chế; tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân; thông tin trên báo chí hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội chuyển giao nhằm phát hiện, điều tra kịp thời vụ việc có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, thương mại; vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với hoạt động tái chế nhớt thải.
Đồng thời, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tái chế, kinh doanh, sản xuất dầu, nhớt thải trái phép trên địa bàn.