Diệu Nguyên
10:15 27/05/2025

Sau VinSpeed, THACO đề xuất được đầu tư siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn hơn 1,5 triệu tỷ đồng từ nguồn lực tư nhân, không dùng ngân sách Nhà nước.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải cho biết, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và sau đó Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đã khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào lĩnh vực chiến lược, các dự án quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn…).

Doanh nghiệp này cho rằng sự thay đổi và đột phá về cơ chế cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước đã rộng cửa giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia vào đường đua chuyển đổi nhằm xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Sau khi nghiên cứu thấu đáo về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với mục tiêu làm được điều gì tốt nhất và có đóng góp thiết thực và cao nhất cho đất nước, THACO đã quyết định đề xuất đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.

Sau VinSpeed, THACO đề xuất được đầu tư siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sau Vinspeed, THACO cũng đề xuất được đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.562.000 tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (do Nhà nước thực hiện như một dự án độc lập).

THACO dự kiến sử dụng 20% vốn tự có và vốn huy động hợp pháp (khoảng 12,27 tỷ USD), phần còn lại 80% (khoảng 49,08 tỷ USD) sẽ vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Khoản vay này cần được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời hạn 30 năm.

Để triển khai, THACO sẽ thành lập Công ty thực hiện dự án với tỷ lệ cổ phần chi phối, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia góp vốn. Dự án cam kết không chuyển nhượng cổ phần hay dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền kiểm soát trong nước. Ông Trần Bá Dương cũng khẳng định quyền sở hữu cổ phần chi phối của gia đình ông sẽ được duy trì.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn, với tổng thời gian thực hiện là 7 năm:

Giai đoạn 1 (5 năm đầu): Xây dựng và đưa vào khai thác 2 đoạn có lưu lượng vận tải cao nhất từ TP. HCM đến Nha Trang và từ Hà Nội đến Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2 (2 năm tiếp theo): Hoàn thiện đoạn còn lại từ Hà Tĩnh đến Nha Trang. Đây là khu vực có địa hình phức tạp, cần nghiên cứu kỹ giải pháp kỹ thuật.

THACO sẽ áp dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa, tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác chuyển giao công nghệ từ các đối tác giàu kinh nghiệm tại châu Âu (Đức, Pháp...) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc...). Đồng thời, tập đoàn đề xuất phát triển các ngành công nghiệp nền tảng trong nước như luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp số… thông qua dự án.

THACO cũng đề xuất Nhà nước phê duyệt mức giá vé phù hợp với phương án tài chính và thời gian hoàn vốn, với thời gian hoạt động dự án là 70 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị được miễn thuế đối với hàng hóa, thiết bị chưa sản xuất được trong nước, và được hưởng toàn bộ cơ chế ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết 172/2024/QH15.

THACO cam kết phát triển mô hình TOD mẫu mực, giá hợp lý, đồng thời đảm bảo yêu cầu an ninh quốc gia bằng việc để Nhà nước sở hữu một số hạng mục quan trọng và tham gia quản lý vận hành. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh, THACO sẵn sàng chuyển giao toàn bộ dự án cho Nhà nước sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia.

Trước đó, ngày 14/5, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của VinSpeed là hành động cụ thể hưởng ứng nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước.

Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

0 0
Bình luận
Vũ Minh Tuấn
14:23 28/05/2025
Subaru Forester giảm gần 200 triệu
Những mẫu Subaru Forester nhập Thái còn tồn, sản xuất 2024 đang được hãng giảm giá mạnh từ 170 triệu cho bản tiêu chuẩn 2.0 iL đến 230 triệu cho bản cao cấp nhất 2.0 iS EyeSight.Xem thêm
0 0
Nhược Hy Nguyễn
11:19 28/05/2025
Vụ Tập đoàn Sơn Hải bị trượt thầu dự án cao tốc: Phát hiện tổ trưởng chuyên gia hết hạn chứng chỉ hành nghề
Liên quan đến vụ việc lùm xùm đấu thầu tại dự án xây dựng đường Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (Ban QLDA) có báo cáo giải trình, giải thích rõ lý do Tập đoàn Sơn Hải và 3 nhà thầu khác trượt thầu.Xem thêm
0 0
Vũ Ngọc Anh
09:09 28/05/2025
Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh: Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!?
Theo quy định mới của Chính phủ, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Đồng thời, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.Xem thêm
0 0