
Loạt dự án giao thông quan trọng tại Hà Nội sắp khởi công
Hà Nội sẽ khởi công dự án cầu Tứ Liên vào ngày 19/5 tới. Tiếp đó là cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi cùng 2 tuyến đường sắt đô thị khác sẽ khởi công trong năm nay.
Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19/5. Tiếp đó, thành phố cũng sẽ khởi công cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi lần lượt vào dịp 19/8 và 2/9.
Ngoài 3 dự án trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong năm 2025, thành phố quyết tâm khởi công bằng được tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 5.
Phối cảnh phương án kiến trúc cầu Tứ Liên. Nguồn: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu từ đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa, dài 4,8 km với 5 nút giao gồm: Nghi Tàm, Hữu Hồng, bãi giữa, Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài. Cầu có kiến trúc dây văng kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung thép nhẹ, hai trụ cầu chính được tạo hình.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là trên 20.170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội. Địa điểm thực hiện dự án: quận Tây Hồ, quận Long Biên, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án: 2025-2027.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) nhằm cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm Hà Nội và giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và Vĩnh Tuy.
Cầu Trần Hưng Đạo kết nối với đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A).
Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,5 km, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Mỗi chiều cầu có hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Các khoảng không được bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 15.967 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án giai trong đoạn 2025-2027.
Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao. Tuyến metro này có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 2008.
Điểm đầu của dự án là Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 61.900 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại ngã 4 Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), điểm cuối tuyến tại khu vực cách ngã 4 Hòa Lạc về phía Hòa Bình 5km, thuộc địa phận xã Thanh Bình, huyện Thạch Thất.
Tổng chiều dài dự án hơn 38km theo hướng Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc (khoảng hơn 6km đi ngầm, khoảng 2km đi trên cao và khoảng 30km đi bằng). Tuyến này có 21 nhà ga gồm 6 ga ngầm, 15 ga nổi.