
Bình Định: Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, nhiều tài xế bị tước bằng gần 2 năm
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đang tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực nông thôn, nhằm siết chặt trật tự an toàn giao thông (ATGT). Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Chiều 16/4, khoảng 17h41, Tổ công tác thuộc Phòng CSGT kiểm tra ngẫu nhiên tại tuyến đường liên thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Qua kiểm tra, phát hiện tài xế H.H.H (sinh năm 1991, trú huyện Phù Cát) điều khiển xe ô tô trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn ở mức cao. Cụ thể, kết quả đo được là 0,447mg/lít khí thở.

Với mức vi phạm này, Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện. Dự kiến tài xế H. sẽ bị xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 23 tháng.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với một trường hợp vi phạm nghiêm trọng khác. Theo đó, tài xế V.T.V (sinh năm 1999, trú tỉnh Đắk Nông) bị phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng vì điều khiển xe ô tô trong tình trạng có nồng độ cồn 0,441mg/lít khí thở.
Vụ việc xảy ra lúc 20h25 ngày 28/3 tại Km20+00, tuyến ĐT633 đoạn qua xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Quyết định xử phạt được ban hành ngày 11/4/2025.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT, việc mở rộng kiểm tra từ khu vực nội thành ra các tuyến đường liên xã, liên thôn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT, đặc biệt tại các khu vực thường bị xem nhẹ về kiểm soát giao thông.
Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản hơn 3.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có trên 740 trường hợp vi phạm ở mức rất cao (trên 0,4mg/lít khí thở) hoặc không chấp hành kiểm tra.
CSGT khuyến cáo: Việc sử dụng rượu bia khi lái xe là hành vi cực kỳ nguy hiểm, không chỉ đe dọa tính mạng người vi phạm mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối “đã uống rượu, bia – không lái xe”.