
Thanh Hóa: Phấn đấu đến năm 2030, 50% xe buýt và xe tuyến cố định sử dụng điện, năng lượng xanh
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 14/4/2025 chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và xe tuyến cố định nội tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Thực hiện năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 8685/VPCP-CN ngày 25/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh.
Theo kế hoạch, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế hoặc đầu tư mới sẽ phải sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, bao gồm xe thuần điện là xe cơ giới sử dụng hệ thống truyền động điện; Xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy là xe cơ giới điện sử dụng pin nhiên liệu thuần túy, trong đó hệ thống pin nhiên liệu là nguồn năng lượng duy nhất trên xe cho hệ thống động lực của xe; xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô. Đây là những phương tiện không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành, góp phần bảo vệ môi trường.
Ảnh Minh Họa
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, kế hoạch đưa ra lộ trình từ năm 2025, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc thay thế, đầu tư mới bằng xe sử dụng điện, năng lượng xanh.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc thay thế, đầu tư mới bằng xe sử dụng điện, năng lượng xanh.
Qua đó việc chuyển đổi phương tiện, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc điện trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho xe ô tô điện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Sở Xây dựng được giao chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi sử dụng ô tô điện, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch. Sở Công Thương có trách nhiệm rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, cấp nguồn điện cho phương tiện giao thông điện.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.