
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển ở Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn yêu cầu các sở, ban ngành liên quan tiến hành rà soát, nghiên cứu phương án nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng trồng ven biển, rừng tự nhiên trên toàn địa bàn.
Theo công văn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế tiến hành rà soát, tổ chức đánh giá tình hình quản lý và nghiên cứu xây dựng phương án quản lý và sử dụng bền vững các diện tích rừng theo đúng quy định pháp luật.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang có khoảng hơn 2.929 ha rừng trồng ven biển (trong đó rừng phòng hộ 912,75 ha, rừng sản xuất 2.017,09 ha) và 418,53 ha rừng tự nhiên (rú cát) hiện do UBND cấp xã đang tạm thời quản lý.

Đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê: Các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó lưu ý xác định nguồn lực tài chính để thực hiện.
Các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó, lưu ý xác định nguồn lực tài chính để thực hiện.
Riêng diện tích rừng tự nhiên (rú cát) chưa thực hiện giao, chưa cho thuê, hiện do UBND cấp xã đang tạm thời quản lý, các địa phương tiến hành lập phương án quản lý bảo vệ rừng cho đối tượng này, nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm, phá rừng, tự ý chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phê duyệt.
Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đồng thời tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định; phát triển du lịch sinh thái ven biển, đầm phá phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển và đầm phá; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các dự án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên địa bàn; theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, đầm phá.