
Siết chặt giám sát tàu cá, 5 thuyền trưởng bị xử phạt vì vi phạm quy định giám sát hành trình
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành loạt quyết định xử phạt hành chính đối với 5 trường hợp vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Động thái này thể hiện sự cứng rắn trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, góp phần ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, vừa ký ban hành các quyết định xử phạt căn cứ theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Cụ thể, 5 chủ tàu bị xử phạt do không duy trì việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định đến cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, ông Bùi Văn Quốc và ông Lê Đức Việt (cùng trú tại huyện Núi Thành) bị phạt mỗi người 400 triệu đồng vì vi phạm với tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên. Ba trường hợp còn lại gồm ông Trần Công Hiếu (trú huyện Thăng Bình), ông Lê Đức Nam và ông Đinh Thanh Tự (đều trú huyện Núi Thành) bị phạt mỗi người 200 triệu đồng do sử dụng phương tiện có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét.
Ngoài hình thức phạt tiền, cả 5 trường hợp đều bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng trong thời hạn 9 tháng. Các quyết định nêu rõ, nếu người vi phạm không tự nguyện nộp phạt trong thời gian quy định sẽ bị cưỡng chế thi hành, đồng thời phải chịu thêm lãi suất chậm nộp 0,05% mỗi ngày.
UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là biện pháp mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá, đồng thời đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu (EC). Thiết bị giám sát hành trình được xem là công cụ quan trọng giúp giám sát hoạt động khai thác, bảo đảm minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, đồng thời báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.
Trong bối cảnh nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển kinh tế biển bền vững, những biện pháp xử lý nghiêm minh như tại Quảng Nam cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghề cá và bảo vệ uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.