
Phát triển giao thông xanh hướng đến mục tiêu Net Zero
Để đạt được mục tiêu quốc gia về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, giao thông bền vững là nền tảng thiết yếu. Trong đó, ứng dụng và phát triển công nghệ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông xanh.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... giao thông vận tải (GTVT) là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Theo dự báo,
Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025, 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Điều này cho thấy, để hướng tới tăng trưởng xanh, cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải CO2 trong ngành GTVT, với hạt nhân là giải pháp chuyển đổi phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện và các loại xe sử dụng năng lượng “xanh”.
Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ có vai trò quan trọng để Việt Nam đạt được cam kết Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông “xanh”...
Vài năm trở lại đây, các Bộ, ban, ngành đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình, ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Tháng
11/2021, tại COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết cùng gần 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tại COP27, Việt Nam giữ nguyên cam kết, nhưng cũng lưu ý rằng đây là bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ.
Tại COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây là tầm nhìn mang tính thời đại, một quyết tâm chính trị rất cao, phù hợp trào lưu thế giới, vì lợi ích quốc gia và sự vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn phát thải từ giao thông là "gánh nặng" cho môi trường
Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy, ngành giao thông vận tải (GTVT) đang đóng góp khoảng 8 tỷ tấn CO2, chiếm 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nằm trong top quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí cao trên thế giới và trong khu vực.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2023, tại các đô thị lớn, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt
nguồn từ các phương tiện giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm, cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí của Hà Nội, bao gồm cả bụi đường và khí thải. Trong đó, lượng phát thải bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) chủ yếu đến từ xe tải chạy dầu diesel và xe máy, với VOC từ xe máy chiếm đến 90%.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Giao thông vận tải Khuất Việt Hùng cho biết, hiện nay, nhu cầu năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch (chiếm trên 95% nhu cầu). Trong đó, ngành GTVT đứng vị trí thứ 2, chiếm 16,5% trong các ngành tiêu thụ năng lượng, chỉ sau công nghiệp (54,1%).
Về phát thải khí nhà kính, ngành GTVT chiếm khoảng 18% của toàn ngành năng lượng và vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,77% từ năm 2014 - 2021.
Theo thống kê, năm 2023 có khoảng 247.000 triệu hành khách*km, 489.700 triệu tấn*km. Trong đó, đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách và
hàng hoá với hơn 85% và vẫn tiếp tục tăng trưởng bình quân 9,6% trong giai đoạn 2014 - 2023.
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong lĩnh vực đường bộ, xu hướng sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện nước ta có khoảng 6,3 triệu xe ô tô (tăng 10,01%/năm), 74,3 triệu xe máy (tăng 4,76%/năm). Trong khi đó chỉ có khoảng 2 triệu xe máy điện.
Trong lĩnh vực đường sắt hiện có 426 đầu máy, 6244 toa xe. Hàng không có khoảng 250 - 300 tàu bay chở khách và 44 tàu bay chuyên dùng.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, để đạt được mục tiêu quốc gia về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển hệ thống GTVT xanh, giao thông bền vững là nền tảng thiết yếu.

Phát triển giao thông công cộng để chuyển đổi xanh giao thông đô thị
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.
Được coi là chìa khóa, giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và quá tải hạ tầng giao thông, xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường đã và đang là mục tiêu không chỉ của TP. Hà Nội mà của toàn xã hội. Với việc triển khai nhiều loại hình giao thông mới, Hà Nội đang từng bước thực hiện "xanh hóa" phương tiện giao thông công cộng.
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng theo định hướng của Kết luận số 80- KL/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, chuyển đổi giao thông xanh.
Theo đó, đề ra phương hướng "phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh". Đây cũng là giải pháp được Thành phố triển khai thời gian qua nhằm "xanh hóa" hệ thống giao thông công cộng.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng đang soạn thảo tờ trình về việc xây dựng nghị quyết ban hành quy định lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh.
Cụ thể, các tuyến xe buýt mở mới ở TP.HCM từ năm 2025 trở đi 100% sử dụng điện. Từ năm 2030, 100% xe buýt sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong quá trình thực hiện lộ trình chuyển đổi, các đơn vị vận tải công cộng sẽ được khuyến khích thực hiện chuyển đổi sớm hơn.
Việc đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt trên cao hiện đang tạo ra những kết quả khả quan trong việc dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, mở ra kết nối các loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, đường sắt đô thị tiếp tục được xác định là trục “xương sống” của hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội và TPHCM, hướng tới mục tiêu góp phần giảm ô nhiễm không khí, cải thiện trình trạng giao thông, an toàn, tiện lợi cho người dân.

Gỡ rào cản để tiến gần mục tiêu phát thải bằng 0

Thực hiện các cam kết của Việt Nam về Net Zero, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, góp phần đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể gồm:
Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Các chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, làm tiền đề đề hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời hướng tới mục tiêu xanh hóa, thân thiện với môi trường, Hà Nội cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả và toàn diện.
Ngoài xe buýt, tuyến đường sắt cũng là một trong những loại hình di chuyển quan trọng giúp giảm lượng khí thải ra môi trường. TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thì phải tăng cường chất lượng.
Theo đó, cơ quan chức năng cần hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng. Đây là bài toán phức tạp và vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm. Trước hết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị như: Tàu ngoại thành, tàu điện mặt đất, Metro ngầm và trên cao…
“Nếu được đầu tư, phát triển khoa học, hợp lý, thì Metro - một loại hình vận tải đường sắt khối lượng lớn, với các lợi thế sẽ là động mạch chủ của hệ thống giao thông đô thị, là yếu tố quan trọng cho mục tiêu giảm ùn tắc và ô nhiễm”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Đi cùng với việc phát triển hệ thống các loại hình phương tiện “xanh”, cũng cần đặc biệt nâng cao cho người dân ý thức sử dụng các phương tiện này để giảm việc sử dụng các phương tiện cá nhân.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông