
Năm 2030, Hà Nội sẽ có 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh
TP Hà Nội đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh và tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035.
Hiện nay Hà Nội có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2.

Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, hiện mới chỉ có 2 vị trí lắp đặt là Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus, phục vụ cho 10 tuyến. Mỗi trạm sạc lần lượt có 32 trụ và 39 trụ sạc, công suất từ 120-150kWh, đáp ứng nhu cầu sạc 100% pin của toàn bộ xe.
Thành phố Hà Nội đã đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi xe buýt dùng điện, năng lượng xanh trên địa bàn phù hợp với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh và tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035.

Lộ trình chuyển đổi phương tiện buýt thường sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của thành phố dự kiến đi theo 3 kịch bản gồm: Kịch bản 1: 100% xe buýt điện, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.433 xe. Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG). Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).
Dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt, thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép, sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, sau năm 2040 thực hiện kịch bản 1.
Kế hoạch chuyển đổi dựa trên nguyên tắc lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt dùng điện và năng lượng xanh, bảo đảm phù hợp thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng xe điện, xe năng lượng xanh.
Còn đối với các xe buýt diesel đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc được phép kéo dài thời gian sử dụng đến hết hạn thầu.