
Metro Hà Nội: Lời giải cho bài toán giao thông công cộng trong tương lai
Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.
Giao thông đô thị luôn là một thách thức lớn đối với các thành phố đang phát triển. Sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân không chỉ làm gia tăng tình trạng ùn tắc mà còn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Từ thực tế đó, Thủ đô Hà Nội đang không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng gia tăng của người dân trong khu vực. Trong đó, các tuyến Metro Hà Nội được xem là giải pháp chiến lược nhằm giảm tải áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

UBND thành phố đã định hướng quy hoạch Metro Hà Nội thành một hệ thống tàu điện công cộng hiện đại, đồng bộ và bền vững. Không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân thủ đô mà còn kết nối nhanh chóng trung tâm thành phố với các khu vực ngoại ô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng thủ đô.
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024) và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024), Thành phố sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và 02 tuyến đường sắt nhẹ (monorail). Ưu tiên các tuyến kết nối nội đô với cảng hàng không, khu công nghệ cao, các khu đô thị, các đầu mối giao thông lớn, các điểm có nhu cầu di chuyển cao trong khu vực nội đô.
Các tuyến Metro Hà Nội đang được kỳ vọng là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đô thị, vấn đề vốn đã trở thành áp lực lớn đối với sự phát triển của thủ đô. Với sự phát triển của các tuyến tàu điện, Hà Nội đang từng bước xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại và bền vững cho tương lai.

Bên cạnh đó, các tuyến Metro Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của thành phố, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Khi các tuyến Metro được đưa vào vận hành, chúng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh. Đây chính là yếu tố thu hút đầu tư và phát triển các dự án bất động sản, trung tâm thương mại, dịch vụ và các khu đô thị mới.
Tăng tính kết nối hạ tầng đồng bộ
Hiện tại, Hà Nội có hai tuyến Metro đang hoạt động là tuyến metro số 2A (Cát Linh - Yên Nghĩa) được khai trương vào tháng 11/2021, tổng chiều dài 13,1 km với 12 nhà ga và tuyến Metro số 3 (giai đoạn I) chạy từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy, đi vào hoạt động từ tháng 8/2024, dài 8,5 km với 8 nhà ga.

Thực tế cho thấy, từ khi đi vào vận hành cả 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đang vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt. Cụ thể, kết quả thực hiện tuyến đường sắt đô thị 2A, tính từ tháng 6/2021 đến hết năm 2024, tổng sản lượng hành khách đạt 31.760.926, sản lượng hành khách bình quân là 127,4 khách/lượt. Tỷ lệ tăng trưởng hành khách từ khi khai thác đến hết năm 2024, khoảng 267,6%.
Cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng, căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.
Đặc biệt, để kết nối mạng lưới giao thông công cộng, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe bus với các tuyến đường sắt đô thị.

Theo đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga có nhiều tuyến bus kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối với các ga đường sắt này, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe bus dọc lộ trình tuyến; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 51 tuyến bus kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 15 tuyến bus kết nối, ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 20 tuyến bus kết nối.
Đối với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại từ ngày 08/8/2024. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thành phố có 36 tuyến bus kết nối với tuyến đường sắt đô thị này. Dọc tuyến có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe bus (Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng và Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng).
Mạng lưới tuyến xe bus cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa hai tuyến đường sắt đô thị bằng hệ thống xe bus.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông