
Hà Nội hiện chỉ có 32 xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh được cấp phép hoạt động
Tính đến tháng 10/2024, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 11 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu trong nước và ra nước ngoài (cơ sở cấp cứu ngoại viện) với tổng số xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh là 32 xe.
Sau khi Tạp chí Môi trường Giao thông phản ánh về việc có dấu hiệu “bưng bít” thông tin để xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh không phép hoành hành, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn số 5984/SYT-QLHNYDTN ngày 17/10/2024 về việc cung cấp thông tin đối với hoạt động của dịch vụ xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 11 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu trong nước và ra nước ngoài (nay là cơ sở cấp cứu ngoại viện) với tổng số xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh là 32 xe.

Các cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài (nay là cơ sở cấp cứu ngoại viện) được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển y tế theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nay được thay thế bởi Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh).
Sở Y tế cũng cho biết: Đối với cơ sở hoạt động không phép, UBND thành phố đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 08/02/2023 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề Y, Dược ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung của chỉ thị đã nêu: “UBND các quận, huyên, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn”.

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về hành nghề y, dược; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm đặc biệt là các cơ sở hành nghề không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Danh sách 11 cơ sở cấp cứu ngoại viện đã được Sở Y tế Hà Nội cấp phép bao gồm:
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển cấp cứu Hà Nội, địa chỉ thôn Ngự Cầu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty cổ phần dịch vụ y tế Hà Sơn, số 84 ngõ Hòa Bình, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt, số 48, phố Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng: 08 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty cổ phần 911 Việt Nam, số nhà 33, liền kề 38, khu đô thị mới Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH Phúc Đức 115 Việt Nam, số 376/46 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Tây Hồ: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH MTV vận chuyển cấp cứu 24/7, số nhà 5b, phố Nhật Tảo, quận Bắc Từ Liêm: 02 xe
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty cổ phần y tế và vận chuyển người bệnh Quốc Thịnh, phòng 203, tầng 2, dẫy nhà 5 tầng, số 33 ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Thủ đô, số 5, ngõ 74 phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng: 07 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH một thành viên thương mại và xuất nhập khẩu Hoàng Việt, số 04, ngõ 136 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa: 02 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Hoàng Hải, số 02, ngõ 37 Trường Chinh, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân: 01 xe.
- Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước trực thuộc Công ty TNHH phòng khám gia đình Hà Nội, số 298I, phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình: 02 xe.
Như vậy, cả thành phố Hà Nội hiện mới chỉ có 32 xe cấp cứu, vận chuyển người bệnh được Sở y tế Hà Nội cấp phép. Trong khi thực tế trên đường, số lượng xe có dán chữ thập, lắp còi đèn, ưu tiên, … phải gấp nhiều lần số lượng xe được cấp phép.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Sở Y tế nên công khai danh sách 32 xe của 11 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu trong nước và ra nước ngoài được cấp phép hoạt động để người dân cùng giám sát và kịp thời phát hiện ra các xe hoạt động không phép. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý và người dân dễ dàng phát hiện, xử lý kịp thời các xe hoạt động không phép, nhằm làm trong sạch thị trường xe cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông