
Đà Nẵng: Lợi dụng vận chuyển đất san lấp dự án đem bán trái phép cho nhà máy gạch
Một doanh nghiệp đã lợi dụng việc được cấp phép khai thác và vận chuyển đất san lấp cho các Dự án (DA) trên địa bàn huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng để chở hàng nghìn khối đất đi bán trái phép cho nhà máy sản xuất gạch. Sự việc đã diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc.
Thời gian qua, người dân huyện Hoà Vang (thành phố Đà Nẵng), phản ánh việc doanh nghiệp núp bóng khai thác đất để phục vụ san lấp cho các công trình trên địa bàn nhưng lại chở đất đem bán trái phép cho nhà máy sản xuất gạch.

Lợi dụng việc khai thác vận chuyển đất đi san lấp để chở đất bán trái phép cho nhà máy sản xuất gạch.
Theo tìm hiểu của phóng viên (PV) Tạp chí Môi trường Giao thông, ngày 14/5/2024, UBND thành phố Đà Nẵng cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 798/GP-UBND cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng được khai thác đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên trong DA đầu tư xây dựng công trình Tuyến đường Vành đai phía Tây (đoạn qua khu công nghệ thông tin tập trung) tại xã Hòa Liên để san lấp cho DA Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc (thuộc xã Hòa Bắc) và DA khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 2 thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) theo chủ trương của UBND thành phố.

Những chiếc xe tải nối đuôi nhau vào mỏ đất để “ăn hàng” rồi vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo đó, doanh nghiệp được khai thác đất để phục vụ công trình san lấp với diện tích 8,9 ha, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 513.159 m² đất nguyên khối (quy đổi ra 661.975 m2 đất nở rời), với thời hạn khai thác 12 tháng, kể từ ngày UBND thành phố Đà Nẵng ban hành giấy phép.
Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng có trách nhiệm nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các khoản phí có liên quan theo quy định hiện hành. Đồng thời, tiến hành hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng được quy định tại giấy phép.

Chiếc xe tải vận chuyển đất từ đường Vành đai phía Tây chạy thẳng về nhập cho nhà máy gạch.
Mặc dù theo giấy phép, doanh nghiệp chỉ được quyền khai thác, vận chuyển đất đi phục vụ san lấp cho các công trình trên địa bàn huyện Hoà Vang, nhưng trên thực tế đã xảy ra tình trạng lợi dụng vận chuyển đất san lấp để chở hàng nghìn khối đất đi bán trái phép cho các nhà máy sản xuất gạch.
Theo ghi nhận của PV, thời gian qua, đã có rất nhiều xe tải chở đất tại khu vực DA đầu tư xây dựng công trình Tuyến đường Vành đai phía Tây đem đi tiêu thụ. Những xe tải này sau khi nhận đầy và đúng loại “hàng” sẽ chạy về hướng tỉnh Quảng Nam để nhập cho nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn).

Phóng viên mật phục tại hiện trường chiếc xe tải lấy đất đem đi bán cho nhà máy gạch.
Để tìm hiểu rõ hơn, ngày 04/4/2025, theo chân xe tải mang biển kiểm soát 92C-068.23 chở đất đi ra từ dự án Vành đai phía Tây, chúng tôi phát hiện xe tải này rẽ phải vào đường cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, sau đó rẽ xuống đường ĐH2. Chạy tiếp đường ĐH2 xe tải rẽ vào Quốc lộ 14B, tại điểm giao Quốc lộ 14B với đường vành đai, phương tiện này rẽ vào đường vành đai, rồi di chuyển qua đường ĐT605 để vào nhập đất cho nhà máy sản xuất gạch nằm trên địa bàn xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn). Không chỉ có một mà rất nhiều xe tải chở đất từ DA đi bán cho nhà máy gạch, điểm chung giữa những chiếc xe chở đất này là có logo chữ C nằm trước kính lái.

Ngay sau khi “no hàng” xe tải liền chạy ra hướng đường cao tốc Hoà Liên – Tuý Toan.
Ngày 06/4, tiếp tục mật phục tại hiện trường khai thác đất ngay sát bên cạnh đường cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan, PV phát hiện một xe múc hoạt động hết công suất, liên tục múc đất đổ cho các xe tải vận chuyển đi tiêu thụ. Cứ thế, hết xe này đến xe khác ra vào khu vực mỏ đất để “ăn hàng”. Trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ mật phục, quan sát, PV nhận thấy xe tải vào mỏ để lấy đất có hai loại, một số sẽ vào lấy đất để chở đi san lấp công trình, một số sẽ lấy đất vận chuyển vào tiêu thụ trong các nhà máy sản xuất gạch.

Những chiếc xe tải ngược xuôi chạy trên đường ĐH2 giao Hoàng Văn Thái (thành phố Đà Nẵng) chở đất đi tiêu thụ.
Ngay sau khi mật phục thành công tại điểm khai thác đất, PV tiếp tục theo chân những chiếc xe tải vận chuyển đất đi bán cho nhà máy sản xuất gạch. Theo đó, sau khi “no hàng” những chiếc xe tải mang biển kiểm soát 92C-245.60, 92C-245.52, 92C-068.23, 92C-229.20… chạy ra hướng đường ĐH2 theo hướng về đường Hoàng Văn Thái, sau đó đi theo Quốc lộ 14B hướng về trung tâm huyện Hoà Vang rồi tiếp tục về rẽ vào đường ĐT605 hướng thẳng về phía tỉnh Quảng Nam để nhập đất cho nhà máy gạch nằm trên địa bàn xã Điện Tiến. Những chiếc xe tải chạy với tốc độ cao, bụi bay mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Xe chở đất vào tiêu thụ tại nhà máy gạch ở xã Điện Tiến.
Ngoài ra, một số xe tải mang biển kiểm soát như 43C-006.87, 43H-024.50, 43C-096.34… vận chuyển đất vào tiêu thụ cho một nhà máy sản xuất gạch nằm bên cạnh cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan thuộc địa phận xã Hoà Nhơn (huyện Hoà Vang). Tuy nhiên, khi phát hiện PV ghi hình, nhiều tài xế xe tải chở đất cho dừng xe, không di chuyển mà cho xe đậu trước đường đi vào nhà máy gạch. Riêng tại khu vực khai thác đất, sau khi nắm thông tin có người theo dõi, nhiều xe tải chỉ vào lấy đất để đi san lấp, còn những chiếc xe tải chở đất đi bán cho nhà máy gạch được cho tạm ngưng hoạt động.

Sau khi “nhả hàng” xe tải lại tiếp tục quay về hướng cũ để tiếp tục hành trình.
Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác đất chở đi bán cho nhà máy gạch đã diễn ra từ lâu nay, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản rất lớn nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý. Ngoài ra, việc xe tải chở đất chạy liên tục trên đường ĐH2 khiến tuyến đường này hư hỏng, đất rơi vãi khắp tuyến đường khiến bụi bay mù mịt. Hiện tuyến đường cao tốc Hoà Liên – Tuý Loan vẫn đang thi công dang dở nên nhiều phương tiện di chuyển xuống đường ĐH2 khiến đoạn đường này tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Đà Nẵng cho biết, lượng đất dư thừa ở đường Vành đai phía Tây được cấp phép để san lấp cho DA Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc (thuộc xã Hòa Bắc), và DA khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 2 thuộc xã Hòa Liên. Việc đưa đất dự án đường Vành đai phía Tây đi đổ không đúng nơi quy định là vi phạm pháp luật.

Một chiếc xe tải chở đất vào nhập cho nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn xã Hoà Nhơn.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, việc tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan. Quá trình thi công phải đảm bảo trong phạm vi cho phép và theo đúng hồ sơ thiết kế dự án đã được phê duyệt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Quá trình vận chuyển đất tại DA đầu tư xây dựng công trình “Tuyến đường Vành đai phía Tây” là chỉ để san lấp cho 2 dự án trên địa bàn huyện Hoà Vàng gồm DA Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc và DA khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 2.

Khu vực nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn tập kết một đống đất “khủng” do các xe tải này vận chuyển về.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã lợi dụng việc khai thác, vận chuyển đất phục vụ san lấp để chở đi bán trái phép cho các nhà máy sản xuất gạch. Mặc dù sự việc diễn ra hằng ngày và trong thời gian dài, tuy nhiên không có cơ quan chức năng nào vào cuộc. Để tránh tình trạng thất thoát lượng lớn tài nguyên khoáng sản, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý chấm dứt ngay tình trạng vận chuyển đất san lấp bán trái phép cho nhà máy sản xuất gạch.
Tạp chí Môi trường Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Trần Hậu – Hữu Tin
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông