
Xử lý các “điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 49 tại TP Huế, nhằm đảm bảo ATGT
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến Quốc lộ 49 sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ngành chức năng TP Huế đã và đang triển khai nhiều dự án xóa các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).
Quốc lộ 49 qua địa bàn TP Huế là tuyến đường ngang huyết mạch thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ các cửa khẩu (Koutai - Salavan (nước Cộng hòa DCND Lào) - Hồng Vân – TP Huế đến cảng biển của TP. Huế. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với TP Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Tuy nhiên, trên tuyến đường này, đoạn từ Km25 đến Km78 (quận Thuận Hóa đến huyện A Lưới) được thiết kế quy mô đường cấp V miền núi, với nhiều điểm cua tay áo, khuất tầm nhìn, mặt đường có nơi hẹp dưới 5m, đặc điểm địa hình có nhiều điểm đèo dốc, thường xuất hiện hiện tượng trượt lở taluy vào mùa mưa, gây chia cắt giao thông trên tuyến. Từ cuối 2023 đến nay, đặc biệt từ khi xuất hiện nhiều phương tiện tải trọng lớn chở than cám, gỗ từ Lào về, tuyến Quốc lộ 49 đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Trước đó, vào cuối năm 2024, tại Km74+600 đoạn đi qua địa bàn huyện A Lưới, xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc do nam tài xế (sinh 1975, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) điều khiển, chở gỗ từ Lào về. Khi đến khu vực đèo A Co, xe bị lật, lao xuống vực sâu khoảng 30m, khiến tài xế tử vong tại chỗ.
Tình trạng các vụ TNGT xảy ra liên tục trên cung đường đầy đèo dốc này khiến người tham gia giao thông bất an, lo lắng. Nhằm nâng cấp Quốc lộ 49, xóa “điểm đen” giao thông, năm 2023, dự án cải tạo các vị trí tiềm ẩn mất ATGT trên tuyến Quốc lộ 49 qua địa bàn TP Huế được triển khai thi công với tổng mức đầu tư gần 85 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ, do Khu Quản lý đường bộ II (Bộ GTVT, nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.

Theo Văn phòng Quản lý đường bộ 2.5, tuyến Quốc lộ 49 được thiết kế quy mô đường cấp V miền núi, trên tuyến còn có nhiều đèo dốc như đèo Tà Lương, Kim Quy, A Co mặt đường hẹp, cua gấp… Nhằm nâng cấp Quốc lộ 49, xóa “điểm đen” giao thông, các cơ quan chức năng đã triển khai dự án cải tạo các vị trí tiềm ẩn mất ATGT trên tuyến đường này.
Cụ thể, dự án được triển khai với quy mô xử lý 27 “điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 49 từ địa bàn quận Thuận Hóa đến thị xã Hương Trà và huyện A Lưới. Trong đó, riêng huyện A Lưới, dự án xử lý 15 “điểm đen” mất ATGT, với mục tiêu nhằm cải thiện bình diện để các yếu tố hình học tuyến cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật của đường cấp IV miền núi, bảo đảm ATGT.
Dự án sẽ đầu tư mở rộng tầm nhìn, đào bạt taluy dương, gia cố lề và sửa chữa, mở rộng mặt, nền đường đạt 6,5m. Ngoài ra, dự án còn đầu tư hệ thống ATGT như đinh phản quan, tiêu dẫn hướng, hộ lan, vạch sơn, biển báo. Một số điểm xây dựng kè taluy âm để mở rộng mặt đường, xây dựng hệ thống thoát nước, nối dài hệ thống cống, rãnh dọc và thảm lại mặt đường nhằm cải thiện tình trạng mất ATGT; cũng như nâng cao khả năng khai thác, tuổi thọ công trình, giảm thiểu TNGT trên tuyến.

Mới đây, Văn phòng Quản lý đường bộ 2.5 đã chủ trì, phối hợp Ban ATGT, Sở Xây dựng, Phòng CSGT Công an TP Huế, các đơn vị bảo trì đường bộ đã kiểm tra hiện trường, đề xuất giải pháp xử lý các vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến. Theo đó, Quốc lộ 49 có 4 điểm tại Km21+800 - Km24+300; Km25+000 - Km26+200; Km46+700 và Km46+900 được bổ sung các thiết chế bảo đảm ATGT như biển báo cấm vượt, gương cầu lồi, biển đi chậm, tiêu dẫn hướng… tiến hành phát quang cây cối để bảo đảm tầm nhìn.
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng nỗ lực xóa các “điểm đen” trên tuyến Quốc lộ 49, Công an TP Huế tiếp tục đề nghị các đơn vị; công an các xã, phường, thị trấn tăng cường mở các cao điểm ra quân tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường; tăng cường công tác tuần lưu, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT. Đặc biệt, tập trung vào đối tượng là lái xe chuyên nghiệp như lái xe tải, xe container, xe khách tuyến cố định liên tỉnh, xe dịch vụ …
Công an TP Huế yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giám sát, xử lý tình trạng sử dụng trái phép, phá hoại, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chủ động nắm tình hình, điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn có tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, phân công, bố trí lực lượng CSGT và huy động các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với tinh thần “bền bỉ, kiên trì, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không để chùng xuống; trọng tâm tập trung nhóm hành vi chuyên đề trọng điểm và các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.