
Xã Yên Viên (Gia Lâm): Hàng trăm nghìn m2 đất ven sông Đuống đang bị sử dụng trái phép?
Nhiều năm qua, tại khu vực đất bãi bồi ven sông Đuống, thuộc xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hàng nghìn mét vuông đất bãi bồi đã bị “biến tướng” thành bãi tập kết cát, than, bãi xe và xây dựng nhà xưởng trái phép… Điều đáng nói, dù vi phạm diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền sở tại dường như đang “bất lực” trước vi phạm đất đai?
Gần 200.000m2 đất ven sông Đuống đang bị lấn chiếm trái phép?
Vừa qua, Tạp chí Môi trường Giao thông nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại ven đê sông Đuống (đường Hà Huy Tập, sau điểm canh Đê thị trấn Yên Viên KM9+310) tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đang làm bãi tập kết vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm các quy định về luật đất đai, hoạt động bến bãi trái phép trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đe dọa đến hành lang thoát lũ và an toàn của tuyến đê xung yếu.
Dọc tuyến đê, bờ kè đá ven sông Đuống đang có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng.
Ghi nhận của phóng viên vào đầu tháng 10/2024 cho thấy, khu vực bãi tập kết vật liệu trên có diện tích khoảng hơn 20.000 m2, nằm cạnh sông Đuống, trong các bãi tập kết trên còn xây dựng hàng loạt các công trình giống nhà điều hành và nhà kho trên diện tích khoảng hơn trăm m2, cùng nhiều thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng.
Căn cứ theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai và giấy phép hoạt động, trong mùa mưa lũ thì các bến bãi liên quan đến đê điều hay thuộc hành lang thoát lũ phải dừng hoạt động, hạ tải nguyên vật liệu, di dời máy móc để đảm bảo hành lang thoát lũ và an toàn đê điều.
Hàng trăm nghìn m2 đang bị lấn chiếm trái phép làm bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Đáng chú ý, ngoài việc tập kết số lượng lớn vật liệu xây dựng (cát, đá, than...), khu vực bờ kè đá của đê sông Đuống đoạn qua khu vực trên đang có dấu hiệu bị phá hoại. Cụ thể, để phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng lên xuống sà lan, các chủ bãi trên không ngần ngại dùng các máy móc cỡ lớn tiến sát bờ kè để vận chuyển vật liệu xây dựng.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng trên có chiều dài gần 700m dọc theo đê sông Đuống, hàng ngày luôn có những sà lan cỡ lớn tập kết tại đây để trung chuyển vật liệu xây dựng, điều này có thể ảnh hưởng đến hành lang an toàn của đê, cản trở dòng chảy của sông và ảnh hưởng tới an toàn giao thông.
Hàng loạt công trình giống nhà điều hành được xây dựng tại khu vực trên, ngang nhiên làm bến bãi trái phép qua nhiều năm.
Việc hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng ngay cạnh bờ đê sông Đuống không chỉ ảnh hưởng về môi trường xung quanh, mà nhiều phương tiện ra vào lấy vật liệu xây dựng cũng tạo nên nguy cơ mất an toàn cho người dân trong khu dân cư thị trấn Yên Viên.
UBND xã Yên Viên thừa nhận có vi phạm nhưng không thể xử lý?
Để thông tin khách quan đa chiều, ngày 11/10/2024, phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
Tại buổi làm việc, ông Kỷ cho biết: khu vực trên là khu bãi đầm, cống thôn xã Yên Viên, đến thời điểm hiện tại khu vực tập kết vật liệu xây dựng trên có tổng 8 hộ đang kinh doanh và chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép và cho thuê đất của các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Kỷ cũng thông tin tới phóng viên, năm 2022 xã vẫn có hợp đồng cho các hộ tại khu vực trên thuê đất một năm một, nhưng từ năm 2023 đến nay thì không được phép cho thuê, yêu cầu dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, đến thời điểm hiện tại ông Kỷ khẳng định với phóng viên là các bãi vật liệu xây dựng trên chưa hoàn thiện thủ tục và hoạt động trái phép.
Mặc dù ông Kỷ cho biết UBND xã Yên Viên đã thanh lý hợp đồng thuê đất với các chủ bãi vật liệu xây dựng trên. Tuy nhiên, bằng cách nào đó mà bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động một cách công khai, thách thức pháp luật.
Trụ sở Đảng uỷ - HĐND - UBND xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
Đáng chú ý, các bãi tập kết vật liệu xây dựng đang nằm hoàn toàn trên hành lang đê thoát lũ của sông Đuống nhưng trong mùa mưa lũ vừa qua khu vực trên vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp lệnh cấm.
Với vai trò là người đứng đầu của địa phương, ông Nguyễn Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Viên khẳng định không thể làm đúng hết được, sai phạm khu vực trên tồn tại đã lâu và vì nhu cầu để phục vụ xây dựng trên địa bàn, chưa xảy ra cái gì đáng tiếc nên mong muốn được chia sẻ.
Trước thực trạng trên, kính đề nghị các cấp chính quyền có liên quan, sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tồn tại trên. Thực hiện ngay kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa ở khu vực các bãi chứa vật liệu xây dựng đang hoạt động trái phép trên địa bàn...
Tạp chí Môi trường Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
(Tạp chí Môi trường Giao thông)