
Tuyến metro hơn 35.000 tỉ đồng ở Hà Nội dự kiến hoàn thành năm 2032
Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, với số vốn hơn 35.000 tỉ đồng dự kiến sẽ được xây dựng trong vòng 7 năm, từ 2025 đến 2032.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2008, với tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội được vận hành, khai thác thương mại.
Tuyến đường sắt trên dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.
Trước đó, vào tháng 1.2024, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đến ngày 17/12/2024, Dự án này được Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 35.588 tỷ đồng, tương đương 200.744 triệu yên. Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) 167.079 triệu Yên, tương đương 29.672 tỷ đồng. Vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội 5.916 tỷ đồng, tương đương 250,19 triệu USD.
Tổng mức đầu tư này đã tăng hơn 16.000 tỷ đồng (khoảng 82%) so với tổng mức được phê duyệt năm 2008, do các thay đổi quy mô, tỷ giá quy đổi, biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và tiền lương... dẫn đến chi phí xây dựng và chi phí thiết bị gia tăng.
Tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) dự kiến hoàn thành sau 7 năm xây dựng. Đồ họa: AI
Dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sau khi điều chỉnh của có tổng chiều dài 11,5km gồm 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao; có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Tuyến đường sắt này có 10 đoàn tàu.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội , sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố sẽ tiến hành các bước để lập thẩm định, trình quyết định dự án đầu tư. Dự kiến tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ thực hiện trong 7 năm và hoàn thành vào năm 2032.
Còn theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tuyến đường sắt số 2 tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội.