
Từ 1/6/2025 đổi bộ đề thi sát hạch lái xe
Từ 1/6/225, tất cả kỳ thi sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ phải thi bộ đề lý thuyết mới hoàn toàn do Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an đưa ra.
Bộ đề mới do Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an đưa ra còn được cải tiến toàn diện về nội dung và cấu trúc nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, đồng thời chấm dứt tình trạng học đối phó, học mẹo kéo dài nhiều năm qua.
Cụ thể, bộ đề gồm 600 câu hỏi được phân chia rõ ràng theo từng chương mục, bao phủ toàn diện các kiến thức cần thiết cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Nội dung không chỉ dừng lại ở luật giao thông, biển báo hay kỹ thuật lái xe mà còn bổ sung nhiều câu hỏi tình huống thực tiễn và kỹ năng xử lý nguy hiểm - một điểm cải tiến quan trọng nhằm đánh giá năng lực thực sự thay vì chỉ kiểm tra lý thuyết máy móc. Điều này, đồng nghĩa với việc người thi không thể tiếp tục 'học vẹt' hay 'học mẹo' như trước mà phải thực sự hiểu và vận dụng kiến thức trong thực tế.
Trong bộ đề còn có nhóm câu 'điểm liệt' liên quan đến các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, lái xe khi có nồng độ cồn, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông… Trả lời sai bất kỳ câu điểm liệt nào sẽ bị đánh trượt ngay lập tức, bất kể tổng số câu đúng. Đây là yếu tố bắt buộc thí sinh phải học kỹ, nắm chắc luật và không được phép chủ quan hay coi nhẹ bất kỳ phần nào của đề thi.
Cấu trúc đề thi cũng được quy định rõ ràng tùy theo từng hạng giấy phép. Hạng A1, A2 và B1 số tự động có 25 câu hỏi, thí sinh phải trả lời đúng ít nhất 21 câu và không sai câu điểm liệt. Hạng B1 thường và B2 có 35 câu hỏi, yêu cầu đạt tối thiểu 32 câu đúng cùng điều kiện câu liệt. Các hạng C, D, E, F gồm 40 câu, thí sinh cần đúng ít nhất 37 câu và không được sai câu điểm liệt. Thời gian làm bài vẫn duy trì từ 15 - 20 phút tùy hạng.
Việc áp dụng bộ đề thi mới không chỉ là thay đổi về kỹ thuật thi cử, mà còn thể hiện quyết tâm của lực lượng Công an trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lái xe ngay từ khâu đầu vào. Người thi sẽ phải tập trung học để hiểu bản chất luật và vận dụng linh hoạt sẽ không còn kiểu học mẹo, hoc tủ để thi như trước đây.
Về phần thi mô phỏng các tình huống thực tế. Người học nên sử dụng phần mềm thi thử chính thức do Cảnh sát giao thông phát hành, nơi các câu hỏi tình huống được mô phỏng sát thực tế, giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng xử lý và ra quyết định nhanh chóng, chính xác.
Do đó với việc áp dụng bộ đề lý thuyết mới khác hoàn toàn so với học lý thuyết truyền thống, đòi hỏi người thi phải chủ động suy nghĩ thay vì học thuộc lòng.