
TP Huế xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải, quá khổ để đảm bảo TTATGT
Ngày 16/4, UBND TP Huế cho biết, thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trọng tâm các tháng còn lại của năm 2025 trên phạm vi toàn địa bàn.
Theo đó, UBND TP Huế chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm tại Công điện số 132/CĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT; Chỉ thị số 31/CT-UBND ngày 27/12/2024 của UBND thành phố về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn năm 2025.
Cụ thể, đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đảm bảo phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi và vùng miền, nhất là lao động tự do, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ minh và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.

Phát huy tính gương mẫu, chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin tuyên truyền để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi trong công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT và các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với những trường hợp cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm, phải có thông báo về cơ quan, đơn vị, nhà trường để có hình thức phối hợp giáo dục, xử lý.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm đảm bảo chất lượng, hiệu quả; rà soát để điều chỉnh, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đặc biệt là bằng xe buýt, vận tải khách liên tỉnh. Kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện hoán cải, thay đổi kết cấu, kích thước để vi phạm trong việc chở hàng hóa quá tải trọng, đảm bảo TTATGT trong lĩnh vực vận tải.
Từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, người phụ trách công tác bảo đảm TTATGT. Từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân. Phấn đấu kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông tối thiểu 5% trên 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị.