
Thừa Thiên Huế: Nhiều cây cầu xuống cấp cần được duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông
Ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện chủ trương, phương án nâng cấp, sửa chữa những cây cầu dân sinh đã xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Cầu xuống cấp, người dân bất an
Tình hình mưa bão diễn ra ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu trên toàn cầu làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều vụ sập cầu dân sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của các cây cầu trong mùa mưa bão. Tại Thừa Thiên Huế, có rất nhiều cây cầu dân sinh đã hư hỏng, xuống cấp, dù được duy tu, sửa chữa thường xuyên nhưng vẫn khiến người dân bất an, lo lắng mỗi khi lưu thông.
Cồn Hến (thuộc phường Vỹ Dạ thành phố Huế), được mệnh danh là “ốc đảo” nằm giữa sông Hương và hiện có hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Nơi đây được kết nối với đất liền bằng một cây cầu độc đạo, duy nhất đó là cầu Phú Lưu. Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1967, cầu Phú Lưu có trụ bằng bê tông, đà ngang bằng gỗ sau được thay bằng thép, mặt cầu tráng bê tông nhựa. Năm 2020, cầu được sửa chữa với kinh phí 4,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, cầu Phú Lưu ngày càng xuống cấp, là một trong những cây cầu yếu, nguy hiểm bậc nhất tại thành phố Huế.

Tương tự, cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, nằm trên tuyến Tỉnh lộ 12D nối trung tâm xã Bình Thành với QL49B) có chiều dài hơn 270 mét, bề rộng mặt đường xe chạy 4 mét. Trải qua 24 năm (nay đã “quá hạn” sử dụng gần 10 năm), cầu Bình Thành được đánh giá là một trong những cây cầu yếu, nguy cơ mất an toàn giao thông mỗi khi có xe tải trọng lớn đi qua. Để khắc phục tình trạng này, ngoài sửa chữa một số hạng mục cần thiết, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã đặt barie hạn chế chiều cao xe 3,5 mét và biển báo tải trọng 8 tấn, biển báo cấm tụ tập đông người nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Sau khi xuống cấp, cầu Bình Thành được hạ tải còn 8 tấn.
Ngoài ra, cầu Huyền Không trên tuyến Tỉnh lộ 12C cũng được xác định là một trong những cây cầu cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Cầu này dài 57 mét, bề rộng xe chạy 3 mét, kết cấu nhịp cầu vòm. Qua khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, tuy kết cấu mố, trụ và dầm cầu này còn tốt, nhưng tải trọng khai thác không còn phù hợp, bề rộng hẹp, không đủ cho 2 xe ô tô tránh nhau. Trước thực trạng này, Sở GTVT đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng cầu Huyền Không. Đồng thời, lắp đặt biển báo tải trọng 6 tấn để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu lưu ý, đảm bảo an toàn.
Được biết, ngoài những cây cầu kể trên, ở Thừa Thiên Huế hiện vẫn còn một số cây cầu xuống cấp được đưa vào diện nâng cấp, cải tạo như cầu Trung Chánh (trên Tỉnh lộ 3); cầu Thanh Long (đường Huỳnh Thúc Kháng); cầu An Hòa (Tỉnh lộ 4); cầu Nam Giản (Tỉnh lộ 11C)…

Mặt đường của cầu Bình Thành hư hỏng, cáp treo hoen rỉ nguy cơ mất an toàn rất cao.
Trước thực trạng xuống cấp của nhiều cây cầu trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu do tỉnh quản lý, đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm; qua đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật…
Duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông
Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Khu Quản lý Đường bộ II tổ chức kiểm tra tổng thể mố trụ các cầu trên địa bàn tỉnh, nhằm có phương án đảm bảo an toàn cho các cây cầu cũng như người và phương tiện tham gia lưu thông trên cầu.
Theo đó, trong số 28 cầu yếu trên các tuyến Tỉnh lộ, đến nay đã đầu tư nâng cấp 8 cầu; 20 cầu còn lại nếu đầu tư nâng cấp cần nguồn kinh phí từ 400 đến 500 tỷ đồng nên cần có lộ trình duy tu, sửa chữa, xây mới phù hợp. Ngoài ra, có 62 cầu do các địa phương cấp huyện quản lý cũng cần phải đầu tư sửa chữa; trong đó, thành phố Huế 19 cầu, Quảng Điền 13 cầu, thị xã Hương Thủy 6 cầu, Nam Đông 2 cầu, Phong Điền 8 cầu, Phú Lộc 2 cầu, thị xã Hương Trà 12 cầu.

Thành cầu Phú Lưu đã rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Phòng Quản lý Giao thông (Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế), đến nay, đơn vị đã đầu tư nâng cấp 8 cầu yếu trên các tuyến Tỉnh lộ, với tổng giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng; gồm cầu Lương Mai, Tây Phú, Ông Lời, Tân Xuân Lai, Cầu Long, Phú Thứ, Khe Hiên, Huỳnh Lồ. Sở GTVT đã khuyến cáo để các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, đơn vị quản lý chủ động duy tu, sửa chữa để kéo dài tuổi thọ công trình, cũng như đề xuất các cơ quan chức năng bố trí kinh phí để nâng cấp khi điều kiện cho phép. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đề xuất UBND tỉnh và ngành chức năng đầu tư duy tu, sửa chữa các cầu còn lại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cầu Phú Lưu xuống cấp khiến người dân bất an khi lưu thông qua cầu.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, những vấn đề trước mắt cần quan tâm để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho các cây cầu yếu gồm mố cầu, dầm cầu, sửa chữa các khe co giãn. Với những cây cầu quá yếu, đơn vị cho cắm biển báo hạn chế tải trọng, kể cả rào chắn lề bộ hành để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã yêu cầu cơ quan chức năng liên quan có giải pháp ngắn hạn đối với các cây cầu yếu, bao gồm biện pháp hạ tải, hạn chế phương tiện trọng tải lớn qua cầu; có kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cầu mới vững chắc hơn.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra an toàn các cầu trên địa bàn là việc làm cần thiết được người dân đồng tình, đánh giá cao. Việc thống kê, rà soát các cầu yếu trên địa bàn tỉnh để có giải pháp đầu tư duy tu, sửa chữa là động thái tích cực vì sự an toàn của phương tiện và người tham gia giao thông. Hy vọng thời gian tới, những cây cầu yếu trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được đầu tư duy tu, sửa chữa để người và phương tiện tham gia giao thông qua các cây cầu được an toàn và yên tâm hơn.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông