
Thanh Hóa quy hoạch 24 bến cảng với tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng
Thanh Hóa đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực phía Bắc khi Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này tạo nền tảng quan trọng để phát triển hạ tầng logistics và đẩy mạnh thương mại hàng hải cho toàn vùng.
Theo nội dung quy hoạch, cảng biển Thanh Hóa gồm các khu bến: Nam Nghi Sơn; Bắc Nghi Sơn; đảo Hòn Mê; bến cảng Quảng Nham - Hải Châu; bến cảng Lạch Sung; bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Về kết cấu hạ tầng đến năm 2030 sẽ có tổng số từ 20 bến cảng đến 24 bến cảng gồm từ 57 cầu cảng đến 65 cầu cảng với tổng chiều dài từ hơn 11.000 đến 13.500 mét.
Mực tiêu đến năm 2030: Đạt sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Thanh Hóa dự kiến đạt từ 71,65 triệu đến 86,15 triệu tấn mỗi năm, trong đó hàng container đạt từ 70.000 đến 200.000 TEU; ước tính 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, khoảng 4.511 tỷ đồng sẽ được dành cho đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng và gần 17.400 tỷ đồng cho xây dựng, nâng cấp các bến cảng phục vụ hoạt động xếp dỡ hàng hóa.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển của tỉnh sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hóa trung bình khoảng 3,6% – 4,5% mỗi năm.
Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược nâng cấp hạ tầng logistics và giao thông vận tải đường biển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng phía Bắc miền Trung.