
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải ở Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải trong tình hình mới. Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 (gọi tắt là Chỉ thị số 23/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện những nhiệm vụ công tác bảo đảm (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải trong tình hình mới. Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các Sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT nói chung và công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ nói riêng trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Tập trung tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân các quy định của Luật TTATGT đường bộ, Luật Đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; phổ biến các tình huống gây tai nạn giao thông hoặc bài học kinh nghiệm phòng tránh tai nạn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.
Bên cạnh đó, siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, khám sức khỏe đối với lái xe. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong hoạt động kinh doanh vận tải, để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải.
Tổ chức rà soát về kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời thực hiện công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông theo phân cấp quản lý.
Xác định vai trò trong công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ là nội dung đặc biệt quan trọng, là giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh; đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.