
Quyết tâm hoàn thành dự án Sân bay Long Thành trong năm 2025
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất của nước ta từ trước đến nay, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời là những yếu tố thành công, Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác trước 28/2/2026.
Sân bay Long Thành phải hoàn thành trong năm 2025, không thể chậm hơn
Ngày 3/12, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Đây là lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành, sau dịp Tết các năm 2022, 2023, 2024 và tháng 9/2024. Sau khi kiểm tra hiện trường, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, cơ quan và địa phương liên quan.
Theo các báo cáo tại cuộc họp, từ tháng 9/2024 (lần gần nhất Thủ tướng Chính phủ đến thăm công trình) đến nay, chỉ sau hơn 2 tháng, nhiều hạng mục, công trình đạt khối lượng thi công lớn.

Thủ tướng kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: VGP)
Các cơ quan đã báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án bổ sung thêm đường cất hạ cánh thứ 2; cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2026; cho phép Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh theo thẩm quyền.
Dự án thành phần 2 - đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành phần bê tông cốt thép, đang thi công phần mở rộng tháp từ tầng 15. Dự án thành phần 3 - nhà ga hành khách đã đạt hoàn thành 100% toàn bộ bê tông cốt thép công trình, đang triển khai công tác hoàn thiện (gia công mái khung chính đạt 56%, lắp đặt đạt 35%). Đường cất hạ cánh đã thi công lớp cấp phối đá dăm và bê tông xi măng lớp lót đạt 71,44%, bê tông xi măng phần mặt đạt 40,32%... vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng.
Như vậy, các công trình, hạng mục, dự án thành phần cơ bản triển khai bảo đảm tiến độ, có hạng mục nhanh hơn yêu cầu, nhất là các công trình do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư (nhà ga hành khách; đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ). Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2025 (sớm hơn thời gian Quốc hội cho phép) là một nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi các cấp, bộ ngành, các chủ đầu tư, nhà thầu hết sức nỗ lực để rút ngắn tiến độ các gói thầu.
Về kết nối giao thông, Bộ GTVT cho biết trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành dự kiến tiếp đón 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trong đó 70-80% là các chuyến bay quốc tế. Theo quy hoạch, giao thống kết nối đi/đến sân bay Long Thành bằng 2 phương thức là đường bộ và đường sắt, bao gồm 5 tuyến đường bộ và 3 truyến đường sắt.
Các tuyến giao thông đường bộ gồm: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Bến Lức-Long Thành (3 dự án này đang triển khai), cao tốc TPHCM-Long Thành (hiện đang khai thác 4 làn xe cao tốc, dự kiến mở rộng lên 8-10 làn xe), Vành đai 4 TPHCM (đã trình chủ trương đầu tư).
Về đường sắt, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đi từ ga Thủ Thiêm tới Long Thành (Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2035); tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành dự kiến trình các cấp có thẩm quyền trong năm 2025; đường sắt đô thị…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên và đánh giá cao nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn và hơn 6.000 kỹ sư, công nhân, người lao động và đã huy động trên 2.000 thiết bị để thi công "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.

Nhiều gói thầu thuộc dự án sân bay Long Thành đang đạt và vượt kế hoạch. (Ảnh: Nguyễn Nhâm)
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Dự án vẫn còn không ít những tồn tại, vướng mắc và chậm chễ trong thực thi, đòi hỏi từng cơ quan, chủ thể, đơn vị có liên quan và cá nhân phải nghiêm túc quán triệt để nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định và thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp trên khi có vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền để quyết tâm cùng nhau hoàn thành Dự án trước 31/12/2025.
Thời gian tới, với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", coi thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời là những yếu tố thành công, Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác trước 28/2/2026, lấy lại tiến độ bị chậm, không thể chậm trễ hơn được nữa.
Khẩn trương có giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần
Thủ tướng yêu cầu đối với một số công việc đang triển khai rất chậm, không đáp ứng yêu cầu cần có ngay giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ.
Về Dự án thành phần 4, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch thực hiện Dự án cho phù hợp quy định và yêu cầu thực tế, trong đó lưu ý phải làm rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị và rõ người thực hiện, rõ sản phẩm, rõ thời hạn hoàn thành là ngày 31/12/2025; làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phân công thực hiện và kiểm điểm trước 15/12/2024.

Quyết tâm hoàn thành xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước 31/12/2025.
Đối với dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm trước ngày 10/12/2024 (trong đó lưu ý, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, việc tăng vốn điều lệ của VEC cần được tính đến nhiều phương án, trong đó có phương án tăng vốn theo lộ trình nhiều bước phù hợp với yêu cầu thực tế, khả năng tiếp nhận quản lý, phương án tham gia tài chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC...); chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm việc tổ chức, cá nhân triển khai chậm trễ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến sân bay, đường cao tốc phục vụ khai thác sân bay phải thực hiện xong trong tháng 12/2024, bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ dân.
Về đường cất hạ cánh thứ 2, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ theo quy định trong tháng 12/2024 để có thể tiến hành khởi công ngày 01/1/2025, không chậm chễ.
Nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất
Về một số dự án, công trình có tính kết nối với Sân bay Long Thành: Tuyến giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.
Về các dự án tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và nút giao An Phú: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, VEC chịu trách nhiệm triển khai nhanh, khẩn trương hoàn thành các tuyến đường, bảo đảm tiến độ, chất lượng để khai thác đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngay sau khi đưa vào sử dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động, khẩn trương hoàn thành các dự án đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối thẳng từ Hồ Tràm về sân bay Long Thành hoặc phương án nhanh nhất, ngắn nhất để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ban Quản lý Dự án cần rút kinh nghiệm thực tế, khẩn trương tổ chức lại thi công trên công trường, thi công nhịp nhàng, đồng thời nhiều vị trí theo nguyên tắc "cuốn chiếu"; xây dựng lại và hoàn thiện đường găng (gantt) tiến độ; đôn đốc, huy động tổng lực lượng của nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, triển khai 24/24 giờ các công việc thực hiện bằng máy móc, thiết bị hiện đại; huy động thanh niên, quân đội, công an… làm công ích các công việc thực hiện bằng thủ công (giao Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan quốc phòng, công an, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…); khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng phải đảm bảo an toàn lao động trên công trường.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông