
Quảng Trị: Cầu Đá Bàn có nguy cơ đổ sập, người dân bất an
Sau hơn 33 năm đưa vào sử dụng, cầu Đá Bàn (xã Phú Trạch, tỉnh Quảng Trị) xuống cấp nghiêm trọng. Chân cầu bị nước chảy xói tạo hàm ếch, dầm và thành cầu nhiều mảng bê tông nứt vỡ lộ các thanh sắt hoen gỉ khiến người dân bất an mỗi khi di chuyển qua cầu.
Cầu Đá Bàn nối 2 bờ thôn Hợp Trung và thôn Hợp Bàn, được xây dựng vào năm 1987, đến năm 1992 cầu mới được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 115m, chiều rộng 2,9m, hai mố trụ đầu cầu được đổ bê tông cốt thép, 8 trụ cầu ở giữa được xây bằng đá và vữa xi măng.

Thời điểm đưa vào sử dụng, cầu Đá Bàn là tuyến giao thông độc đạo nối các thôn Hợp Trung, thôn Thanh Xuân, thôn Bưởi Rỏi về với trung tâm xã Quảng Hợp (cũ) nay là xã Phú Trạch. Hàng ngày có hàng ngàn lượt người trong xã và người dân khu vực phía Tây tỉnh Hà Tĩnh di chuyển qua cây cầu này để về trung tâm xã và tuyến Quốc lộ 1A.
Trải qua hơn 33 năm đưa vào sử dụng, cùng với những tác động của ngoại cảnh, đến nay cầu Đá Bàn xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Theo quan sát, phần mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc; lan can cầu bị gãy đổ nhiều đoạn phải dùng gậy tre gia cố tạm. Phần trụ cầu bị nước xói rỗng chân tạo thành hàm ếch, các trụ xây bằng đá lâu ngày lớp vữa xây bị tách lớp tạo thành những vết nứt lớn. Riêng phần dầm cầu chịu lực chính các mảng bê tông lớn bị vỡ lộ nhiều thanh sắt hoen gỉ.
Mặc dù xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhưng vì đây là tuyến đường ngắn nhất về trung tâm xã nên hàng ngày vẫn có rất đông người dân và học sinh di chuyển qua cầu.
Ông Nguyễn Văn Anh (44 tuổi, trú thôn Thanh Xuân, xã Phú Trạch) cho biết: Cầu Đá Bàn xuống cấp nhiều năm nay, mỗi lần lần di chuyển qua người dân rất lo sợ. Để hạn chế rủi ro người dân phải di chuyển từng phương tiện qua mỗi lần để giảm tải trọng.
“Biết là nguy hiểm nhưng vì tiện nên hàng ngày người dân vẫn chạy liều qua cầu. Tôi sợ nếu năm nay có lũ to về chắc cầu Đá Bàn không thể đứng vững được nữa”, ông Anh lo lắng.

Theo ông Tưởng Trung Điều (Trưởng thôn Hợp Trung), việc di chuyển qua cầu Đá Bàn hiện nay rất nguy hiểm. Địa phương cũng đã thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền đến người dân hạn chế việc di chuyển qua cầu nhằm đảm bảo an toàn.
Trước đây, đã có sự việc người và phương tiện rơi xuống cầu tử vong. Đến năm 2024, địa phương đã thi công thêm phần lan can bằng bê tông cốt thép để hạn chế nguy hiểm. Người dân cũng đã nhiều lần có ý kiến lên các cấp về việc sửa chữa cầu Đá Bàn, tuy nhiên vì cầu đã quá xuống cấp nên việc bố trí kinh phí rất lớn và không khả thi.

Ông Phạm Minh Cảnh (Chủ tịch xã Phú Trạch) cho biết, để đảm an toàn cho người dân địa phương, xã đã cắm biển cấm các loại ô tô, chỉ cho người đi bộ và xe hai bánh qua lại. “Trước mắt địa phương sẽ tuyên truyền đến người dân hạn chế việc di chuyển qua cầu Đá Bàn và đi đường vòng qua tuyến đường mới cho an toàn hơn. Sắp tới, địa phương sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện xây mới kiên cố phục vụ bà con”.
Anh Quốc
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông