
Quảng Bình: Trạm cân keo tràm hoạt động trái phép, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, xuất hiện hàng loạt cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng ngang nhiên, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, thách thức pháp luật.
Vào thời điểm cao vụ thu mua keo tràm nguyên liệu, không khó để có thể bắt gặp những chiếc xe tải trên thùng chất đầy keo tràm lưu thông trên đường. Những chiếc xe này bốc hàng tại các cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng chui, không có được cấp phép trên địa bàn huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại trên địa bàn huyện Minh Hoá có rất nhiều địa điểm trạm cân, bãi tập kết keo tràm ngang nhiên hoạt động khi chưa được cấp phép.
Mặc dù tất cả các địa điểm trên như tại xã Trung Hoá, xã Yên Hoá, xã Hoá Hợp, xã Hoá Tiến, xã Hồng Hoá thị trấn Quỳ Đạt có nhiều bãi tập kết keo hoạt động thu mua hàng ngày, các phương tiện xe tải thô sơ như máy cày, xe tải ben, xe đầu kéo có dấu hiệu cơi nới chống cọc tạm thành thùng ra vào nhập keo làm ô nhiễm môi trường tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.

Các địa điểm thu mua trên địa bàn huyện Minh Hoá được xây trên đất ở nông thôn hay đất trồng cây lâu năm, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phù hợp với mục đích làm trạm cân, bãi tập kết keo tràm và cũng không hề đăng ký kinh doanh theo diện hộ kinh doanh hay doanh nghiệp.

Và tất nhiên, những trạm cân, bãi tập kết keo tràm nói trên đều là những trạm cân 4 không: không đảm bảo thủ tục pháp lý về sử dụng đất, không hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông, PCCC, vệ sinh môi trường nhưng vẫn hoạt động ngang nhiên, bất chấp pháp luật trong thời gian dài.

Trao đổi với Phóng viên, ông Cao Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã Trung Hoá chia sẻ, tất cả các bãi keo tràm trên địa bàn xã đều tự phát và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay bất kỳ thủ tục pháp lý nào cả. Trước đây, huyện có thành lập đoàn liên nghành kiểm tra và lập biên bản nhưng giờ họ lại hoạt động lại.

Bãi tập kết keo, tràm có dấu hiệu tự phát tại xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi cũng trao đổi với ông Đinh Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Minh Hoá cho biết, năm 2023 huyện có thành lập đoàn đi kiểm tra tại thời điểm đó trên địa bàn huyện có 15 địa điểm trạm cân, bãi tập kết keo tràm điều hoạt động trái phép, không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào cả.
Xe chở gỗ có dấu hiệu vượt quá thành thùng cho phép.
Điều đáng nói, những trạm cân này đều nằm trên những đường dân sinh có đông đúc trẻ em qua lại nhưng chưa hoàn thiện được thủ tục đấu nối. Thường xuyên có xe tải lớn ra vào tấp nập gây cản trở và mất an toàn giao thông cho nhiều người dân khi lưu thông trên những tuyến đường này.

Theo phản ánh của người dân, tại các trạm cân tự phát này, xe tải to nhỏ chở keo tràm ra vào tấp nập kéo theo bùn đất rơi vương vãi khắp đường. “Mỗi khi mưa xuống thì đường nhựa hóa thành đường đất, đất hòa vào nước tạo thành bùn vương vãi cả một đoạn dài vài cây số, người dân đi lại rất khó khăn. Khi trời nắng lên thì bụi bay mù mịt cả một vùng rất vất vả, và rất nhiều đoạn đường trên tuyến đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng” .
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Thiếu tá Đinh Minh Dũng - Đội trưởng đội CSGT huyện Minh Hoá cho biết, địa bàn huyện địa hình đồi núi lực lượng anh em mỏng nên chưa thể xử lí triệt để được, còn nếu trong lúc anh em đi tuần tra kiểm soát mà bắt gặp những phương tiện này lưu thông trên tuyến sẽ cho xử lí.

Trước thực trạng trên, kính đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan sớm vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để tình trạng nói trên để chấn an dư luận, cũng như hạn chế rủi ro trong an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường từ các trạm cân, bãi tập kết keo tràm gây ra đừng vì lợi ích của một số cá nhân hay doanh nghiệp nào đó mà làm ảnh hưởng môi trường cũng như cuộc sống an toàn của người dân.
Tạp chí Môi trường Giao thông sẽ tiếp tục thông tin nội dung trên vào kỳ tiếp theo.
(Theo Tạp chí Môi trường Giao thông)