
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại thành phố Huế tái khởi động, tăng tốc về đích trước mùa mưa bão
Sau thời gian gián đoạn vì thiếu nguồn vốn, các dự án cải tạo hạ tầng giao thông tại thành phố Huế như mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đường đi bộ ven sông Như Ý… đã được tái khởi động, đẩy mạnh thi công. Chính quyền và đơn vị chủ đầu tư cam kết hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư trước mùa mưa bão ở miền Trung.
Dự án quy mô lớn, vốn ODA Nhật Bản
Những ngày đầu tháng 7, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, một trong những trục huyết mạch nối trung tâm thành phố Huế với Khu đô thị mới An Vân Dương, không khí thi công đang diễn ra khẩn trương. Máy móc hoạt động liên tục, công nhân hối hả cào bóc, đắp đất, xây dải phân cách, thảm nhựa mặt đường và hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, vỉa hè.

Thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng, tuyến giao thông huyết mạch kết nối trung tâm thành phố Huế với Khu đô thị mới An Vân Dương đang được tăng tốc thi công sau thời gian tạm dừng do thiếu vốn.
Đây là tín hiệu tích cực sau nhiều tháng gián đoạn thi công vì vướng mắc nguồn vốn. Cùng với dự án đường đi bộ ven sông Như Ý, tuyến Phạm Văn Đồng là một trong hai công trình hạ tầng giao thông trọng điểm thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, nay đang được tái khởi động mạnh mẽ sau khi được bố trí vốn trở lại.
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế có tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm hơn 4.435 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách địa phương (khoảng 667 tỷ đồng). Giai đoạn 1 của dự án được triển khai từ tháng 8/2015 trên địa bàn 11 phường khu vực phía nam thành phố Huế, hoàn thành vào cuối năm 2020.
Từ nguồn vốn kết dư sau giai đoạn 1, Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế tiếp tục triển khai 6 gói thầu xây lắp gồm 12 hạng mục trên địa bàn quận Thuận Hóa (cũ) và Khu đô thị mới An Vân Dương. Trong đó, hai hạng mục tiêu biểu là dự án chỉnh trang, nâng cấp đường Phạm Văn Đồng và dự án xây dựng đường đi bộ ven sông Như Ý.

Công nhân khẩn trương thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (thành phố Huế) nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước mùa mưa bão.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng được đầu tư mở rộng từ 24m lên 36m, phù hợp với tiêu chuẩn 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Công trình có tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng, khởi công vào tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, do hiệp định vay vốn ODA với phía Nhật Bản hết hiệu lực từ 30/6/2024, công trình bị đình trệ giữa chừng do thiếu hụt ngân sách.
Tương tự, dự án đường đi bộ ven sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương dài 1,6km với tổng vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng, cũng rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” vì lý do tương tự. Công trình do liên danh nhà thầu Thủy Lợi Huế - 568 thi công từ tháng 7/2023, ban đầu dự kiến hoàn thành vào giữa năm nay.
Gỡ nút thắt vốn, thi công tăng tốc
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế (sau sát nhập là Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực 1 thành phố Huế), việc gián đoạn thi công các dự án là do thỏa thuận vay vốn ODA đã hết hiệu lực. Trong bối cảnh đồng JPY giảm giá mạnh, sau khi giải ngân hết phần vốn vay, dự án còn thiếu hơn 249 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Toàn cảnh tuyến đường đi bộ ven sông Như Ý nhìn từ trên cao, đoạn đường kéo dài từ Đập Đá đến cầu Vân Dương, một trong những công trình hạ tầng sinh thái quan trọng của thành phố Huế đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý Dự án đã đề xuất UBND thành phố Huế bố trí vốn ngân sách địa phương thay thế, đồng thời thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025. Đến nay, thành phố Huế đã bổ sung hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, cơ bản tháo gỡ vướng mắc về vốn, tạo điều kiện để các công trình tái khởi động.
“Chúng tôi cam kết tăng tốc thi công để hoàn thành các công trình đúng tiến độ điều chỉnh, cụ thể là trong tháng 8/2025, đảm bảo đưa vào khai thác trước mùa mưa bão”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Nhiều máy móc, thiết bị và vật liệu được huy động thi công tuyến đường đi bộ ven sông Như Ý nhằm đẩy nhanh tiến độ sau thời gian tạm dừng vì thiếu vốn.
Hiện nay, tại dự án đường Phạm Văn Đồng, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối như thảm nhựa mặt đường, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng và biển báo giao thông. Trong khi đó, đường đi bộ ven sông Như Ý đã cơ bản xong phần kết cấu chính, chỉ còn lại các công trình phụ trợ như cây xanh, bồn hoa, lối dạo bộ…
Cùng với vai trò cải thiện môi trường và hạ tầng kỹ thuật, các công trình kể trên còn mang ý nghĩa nâng tầm bộ mặt đô thị Huế trong giai đoạn phát triển mới. Đường Phạm Văn Đồng khi được hoàn thiện sẽ trở thành trục kết nối chiến lược giữa trung tâm thành phố và Khu đô thị mới An Vân Dương, khu vực đang định hình là trung tâm hành chính mới, cũng như vùng phát triển động lực phía đông thành phố.

Công nhân thi công hạng mục cảnh quan, trồng cây xanh trên vỉa hè tuyến đường đi bộ ven sông Như Ý, góp phần nâng cao chất lượng không gian sống đô thị Huế.
Đặc biệt, đường đi bộ ven sông Như Ý là công trình mang đậm dấu ấn sinh thái đô thị, vừa kết nối giao thông, vừa tạo không gian công cộng, cảnh quan sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường đi bộ này sẽ kết nối chuỗi không gian văn hóa, du lịch dọc sông Hương và sông Như Ý, góp phần thu hút du khách, tăng cường tiện ích sống cho người dân đô thị Huế.
Việc hoàn thành các công trình này không chỉ giúp giải tỏa áp lực giao thông nội đô mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đặc biệt là phát triển khu đô thị mới theo hướng bền vững, hài hòa với môi trường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển hạ tầng xanh, việc thành phố Huế tập trung đầu tư cho những dự án giao thông trọng điểm như đường Phạm Văn Đồng hay đường đi bộ ven sông Như Ý được đánh giá là chiến lược đúng đắn, thể hiện tầm nhìn quy hoạch đô thị gắn với chất lượng sống của người dân.
Hữu Tin
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông