
Lãnh đạo phường Nhật Tân “im lặng” trước thông tin không gian thoát lũ có dấu hiệu bị xâm lấn (!?)
Mặc dù UBND phường Nhật Tân thông tin báo chí về việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm đê điều như đổ trộm phế thải, kinh doanh trái phép tại khu vực bãi sông Hồng. Nhưng khi phóng viên liên hệ để làm rõ dấu hiệu kinh doanh trái phép, ảnh hưởng đến không gian thoát lũ sông Hồng thì lãnh đạo phường lại liên tục “né tránh” và “im lặng”.
“Hồi sinh” to hơn sau khi bị xử phạt
Từng bị UBND phường Nhật Tân yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép vào cuối năm 2022 nhưng Vườn táo cổ Chill Garden (khu vực nằm cuối ngõ 264 Âu Cơ) lại “hồi sinh” với quy mô cùng diện tích hoạt động rộng và hoành tráng hơn.
Khu vực này có diện tích hàng nghìn mét vuông được coi là một địa điểm lý tưởng cho việc giới trẻ thư giãn, ngắm hoàng hôn và vui chơi, đặc biệt là vào buổi tối và cuối tuần.

Mặt bằng nơi đây được chủ cơ sở trang trí, làm tiểu cảnh và phủ toàn bộ bằng cỏ nhân tạo. Trên đó, bày bàn ghế, lều trại, tiểu cảnh để phục vụ việc check-in “sống ảo" của khách hàng, tạo nên một điểm du lịch ăn uống hoành tráng tại quận Tây Hồ.
Thậm chí, chủ cơ sở còn làm cầu phao để tạo không gian chụp ảnh cho khách hàng. Một nhà nổi ven sông cũng được nối liền vào không gian của vườn táo cổ Chill Garden.

Nhiều công trình được lắp ghép, xây dựng trên đất bãi.
Trong khi năm 2022, UBND phường lại thông tin với báo chí là đã yêu cầu dừng và tổ chức cắt cầu phao nhưng hiện tại cầu phao nhìn hoành tráng và rất Chill (?).
Qua tìm hiểu, khu vực bãi đá sông Hồng đã được UBND quận Tây Hồ cho 19 hộ gia đình, cá nhân thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và trồng hoa, theo hình thức trả tiền hàng năm.
Việc tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ trên phần diện tích này là không đúng mục đích sử dụng đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường và không gian thoát lũ sông Hồng.
Với vai một người đặt tiệc cho Công ty, phóng viên được giới thiệu gặp ông Đinh Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn táo cổ (có trụ sở tại 68 ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Ông Kiên chia sẻ, nơi này vẫn thường xuyên tổ chức tiệc liên hoan, sinh nhật, thậm chí cả tiệc cưới, với số lượng khách lên đến hàng trăm người. Đơn vị có đầy đủ thiết bị âm thanh, bục sân khấu, phông,... theo yêu cầu của khách.
Được biết, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Vườn táo cổ được thành lập tháng 04/2023, do ông Đinh Văn Kiên (trú tại 19 ngõ 87 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là người đại diện theo pháp luật; bà Lê Thị Hải là kế toán trưởng.
Lãnh đạo phường … “im lặng”
Qua tìm hiểu, khu đất Vườn táo cổ là đất bãi nằm trong phạm vi UBND phường Nhật Tân quản lý, đã chôn cọc bê tông và căng dây thép gai.
Nhưng qua quan sát, phóng viên không nhìn thấy bất kỳ dây thép gai cũng như cọc bê tông nào, do đó cũng khó xác định được ranh giới đất bãi UBND quản lý với phần đất “phát sinh thêm” (nếu có).

Thực tế, việc xác định ranh giới đất bãi rất quan trọng bởi nó liên quan đến không gian thoát lũ sông Hồng, là cơ sở để xác định chủ cơ sở có lấn chiếm lòng sông hay không?
Để làm rõ điều này, phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông đã liên hệ với UBND Quận Tây Hồ và được hướng dẫn về gặp lãnh đạo phường Nhật Tân – đơn vị quản lý địa bàn và được UBND quận giao nhiệm vụ cung cấp thông tin báo chí.
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân để làm việc nhưng ông Tuấn thoái thác, nói làm việc với ông Tuân - cán bộ thanh tra xây dựng phường. Tuy nhiên, ông Tuân cho biết mình không được phát ngôn và cũng không cung cấp được tài liệu liên quan.
Được biết, tại khu vực bãi đá sông Hồng đã từng xuất hiện tình trạng thu tiền vào cổng nhưng không có vé và có dấu hiệu kinh doanh trốn thuế. Liên quan đến sự việc này, UBND phường Nhật Tân đã có báo cáo nhanh UBND quận Tây Hồ với tinh thần "xin được chấn chỉnh và rút kinh nghiệm" (!?).
Thường trực HĐND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố.
Trong tháng 8,9/2024, Đoàn giám sát với mục đích xem xét, đánh giá việc thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2021 đến nay; làm rõ những kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác tổ chức quản lý, sự tuân thủ các quy định của pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy.
Qua đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp tăng cường thực hiện công tác quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát.

Không gian bên trong vườn táo cổ Chill Garden.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội từng đề nghị Quận Tây Hồ triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả hành vi gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê, bờ bãi sông, bãi giữa.
Đồng thời, đề nghị gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nhưng xử lý không kiên quyết, dứt điểm. Rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật; thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới.
Nhằm đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng trong mùa lũ năm nay, Tạp chí Môi trường Giao thông đề nghị UBND quận Tây Hồ kiểm tra, rà soát và làm rõ hoạt động của Vườn táo cổ Chill Garden có đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hay không ?
Tạp chí Môi trường Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
(Theo Tạp chí Môi trường Giao thông)