
Khánh Hoà: Cát tặc lộng hành khiến “suối hoá sông”
Tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương ở tỉnh Khánh Hoà, đặc biệt là ở xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hoà) gây ra những biến đổi nghiêm trọng về địa hình và môi trường. Các hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài đã khiến nhiều con suối bị rút ruột, lòng suối bị đào sâu dẫn đến nguy cơ sạt lở đất, hư hỏng hạ tầng giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Chỉ vài trăm mét có hàng chục điểm bơm hút, rửa cát
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép tại thôn 1, xã Ninh Thượng đã diễn ra đều đặn nhiều năm nay khiến môi trường bị huỷ hoại, dòng suối chính để dẫn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt trở thành hàng chục điểm khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm. Chính vì tình trạng này khiến nguồn nước luôn đục, đường giao thông hư hỏng, có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân.
Một góc của đoạn suối tan hoang vì cát tặc.

Có mặt tại hiện trường, phóng viên mới ngỡ ngàng vì điểm khai thác chỉ cách tuyến đường trục chính của xã vài trăm mét, nằm gần khu dân cư và cách UBND xã không xa.
Trước ống kính của phóng viên là hàng chục điểm bơm hút cát dày đặc, lòng suối bị biến dạng nghiêm trọng với những hố sâu nham nhở, hai bên bờ đất cát đã sạt lở sát mép đường đan xen với các điểm tập kết cát san sát nhau. Ở các đoạn suối không bị hút cát, khoảng cách giữa 2 bờ suối chỉ tầm 3-5m. Tuy nhiên, tại những nơi “cát tặc” đi qua, khoảng cách đó lên tới hàng chục mét.

Cát được bơm lên bãi chứa và sẽ có các xe tải ben đến mang đi tiêu thụ.
Hai bên bờ của dòng suối là tuyến đường nội đồng vào ruộng, rẫy của người dân Ninh Thượng đang chực chờ sạt lở bất cứ lúc nào. Sát mép đường là những hố sâu từ 4-6m được hình thành do các hoạt động khai thác cát lâu ngày khiến đất bị mất chân, tạo thành lỗ hổng phía dưới.

Chiếc xe tải ben biển kiểm soát 79C-116.81 mang cát đi tiêu thụ.
Ông M. (người dân địa phương) cho biết: “Cát ở đây đã khai thác nhiều năm nay, hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Đêm thì bơm cát lên bãi, nhiều máy nổ hoạt động cùng lúc rất ồn ào, ngày thì thường xuyên có các xe tải ben vào lấy cát đi tiêu thụ. Người dân chúng tôi rất bức xúc và cũng đã có phản ánh lên chính quyền xã nhưng xã đi kiểm tra xong rồi đâu lại vào đó”.
Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương
Có thể nói, nạn khai thác cát lộng hành ở thôn 1, xã Ninh Thượng không chỉ là vấn đề về chảy máu tài nguyên mà còn dẫn tới nhiều hệ luỵ khác như gây gánh nặng lên hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường sống nơi đây bị ô nhiễm nặng nề mà dường như không thể phục hồi được. Đây không chỉ là vấn đề về kinh tế, môi trường mà còn là niềm tin của người dân, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hình ảnh đoạn suối chảy qua thôn 1, xã Ninh Thượng nhìn từ trên cao.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông, ông Ngô Xuân Đại - Chủ tịch xã Ninh Thượng cho biết: “Xã cũng đã làm quyết liệt nhưng vẫn để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân chủ yếu do lực lượng mỏng, không đủ quân số. Có 7 đồng chí Công an thì có 3 đồng chí đi học rồi. Giờ còn mấy tuần nữa là sáp nhập thì tôi sẽ chỉ đạo anh em làm quyết liệt cho tới lúc sáp nhập, sau khi sáp nhập thì sẽ tính sau… Nói thẳng là bây giờ xử lý triệt để thì tôi không dám chắc !”.
Chính câu trả lời của vị Chủ tịch xã cho thấy mặc dù tình trạng khai thác cát trái phép ở đây thường xuyên và xảy ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phượng vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Dù UBND tỉnh Khánh Hoà đã có nhiều chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng trên thực tế hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra. Nguyên nhân có nhiều như lực lượng mỏng, thiếu phương tiện chuyên dụng, sự phối hợp giữa các ban ngành còn rời rạc, thiếu quyết liệt nhưng chủ yếu do sự thiếu quyết tâm, xử lý qua loa. Có trường hợp bị xử lý hôm trước thì vài hôm sau lại tái phạm, thậm chí dư luận còn đặt ra câu hỏi là có hay không dấu hiệu "bảo kê ngầm" cho các hoạt động trái phép này.
Để chấm dứt tình trạng "suối hoá sông", các cấp chính quyền cần vào cuộc 1 cách quyết liệt hơn. Có thể lắp camera tại những điểm nóng hoặc sử dụng thiết bị bay không người lái, tăng mức chế tài xử phạt, minh bạch thông tin và tiếp nhận phản ánh của người dân, có chính sách bảo vệ người tố giác... Điều quan trọng phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra sai phạm.
Chỉ khi chính quyền thực sự làm tròn vai trò quản lý, đồng thời lắng nghe tiếng nói của người dân, tài nguyên thiên nhiên tại Khánh Hoà mới được bảo vệ bền vững, góp phần gìn giữ sự ổn định và phát triển lâu dài cho địa phương, đặc biệt là một xã đang vươn lên bằng phát triển du lịch sinh thái như xã Ninh Thượng.
Theo Tạp chí Môi trường Giao Thông