
Hương Khê (Hà Tĩnh): Bất tuân lệnh đình chỉ, xưởng bằm dăm gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động
Pháp luật đã có quy định rất cụ thể về điều kiện hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gỗ dăm, nhưng tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xưởng gỗ dăm hoạt động trái phép khiến môi trường sống của các hộ dân xung quanh chịu ảnh hưởng, như: ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, nguy cơ cháy nổ. Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể đối diện mức phạt lên tới 250 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…
Để quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng quy định pháp luật, từ đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã có Văn bản số 2775/BNN-CB chỉ đạo rõ đối với các địa phương thuộc Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ không xem xét đầu tư đối với các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu không có (không bao gồm), hợp phần đầu tư chế biến, chế tạo sản phẩm từ gỗ dăm (chế biến sản phẩm sau dăm gỗ) do dự án tạo ra.
Ngoài ra, Bộ NN và PTNT cũng nêu rõ, đối với các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu có hợp phần đầu tư chế biến, chế tạo sản phẩm từ dăm gỗ (chế biến sản phẩm sau dăm gỗ) do dự án tạo ra, thực hiện từ năm 2016: Thực hiện thẩm định theo các tiêu chí cụ thể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu kịp thời giải quyết.
Quy định là vậy, tuy nhiên, tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn xuất hiện cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Thậm chí, những cơ sở này còn bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền địa phương gây bất bình trong nhân dân.
Cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép tại xã Phúc Trạch.
Mới đây, Tạp chí Môi Trường Giao Thông nhận được phản ánh của người dân về việc cơ sở hoạt động sản xuất dăm gỗ của hộ kinh doanh ông Nguyễn Đức Thiện tại thôn 4, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm vệ sinh môi trường.
Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ tịch UBND xã Phúc Trạch ông Trần Quốc Khánh cho hay: “Đất này thuộc diện đất ở của Công ty TNHH Thuỷ Triều, có địa chỉ khối 8, Thị Trấn Hương Khê, Hà Tĩnh chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho doanh nghiệp khác thuê lại. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên, ngày 13/9, UBND xã thành lập đoàn xuống kiểm tra và có biên bản đình chỉ yêu cầu cơ sở hoàn thiện các thủ tục pháp lý mới đi vào hoạt động”.
Trái với nội dung trong biên bản kiểm tra yêu cầu xưởng bằm dăm gỗ của ông Nguyễn Đức Thiện dừng sản xuất bằm dăm gỗ khi chưa hoàn thiện thủ tục. Sáng 16/9, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông, xưởng vẫn hoạt động bình thường, bất tuân lệnh đình chỉ.
Phóng viên tiếp tục liên hệ ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch nội dung trên thì ông Khánh cho hay, ngay trong chiều nay xã sẽ tiếp tục lập biên bản lần 2. Nếu lần này chủ cơ sở không hợp tác thì xã sẽ có văn bản báo cáo huyện xử lý. Tuy nhiên, theo ông Khánh thì việc đình chỉ hoạt động của xưởng bằm dăm thuộc thẩm quyền của huyện thì đúng hơn.
Thiết nghĩ, chính quyền nên tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển kinh tế nhưng tất cả phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất gỗ dăm là ngành đặc thù có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới môi trường nên cần phải có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Hơn nữa, việc doanh nghiệp coi thường pháp luật để hoạt động trái phép là điều đáng lên án. Do đó, chính uyền cần có biện pháp xử lý phù hợp đối với doanh nghiệp nếu có sai phạm.
Quá trình sản xuất gỗ dăm gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Với nguồn vật liệu gỗ rừng trồng dồi dào, những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có sự phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế cao song công tác giám sát môi trường định kỳ cũng cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là về hồ sơ pháp lý như giấy phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy, công tác an toàn vệ sinh lao động…
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi và khí thải trong hoạt động sản xuất chế biến gỗ là một trong những vấn đề được tập trung xử lý. Đối với hoạt động chế biến dăm gỗ, bụi chủ yếu sinh ra từ các bộ phận như băm, chặt, nghiền dăm, vận chuyển thành phẩm. Quá trình sản xuất các nhà máy chế biến gỗ dễ làm phát sinh những yếu tố ô nhiễm môi trường khác như chất thải rắn, nguồn nước, tiếng ồn… Thực tế này, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến dăm gỗ cần được siết chặt.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông