
Hội thảo “Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới”
Sáng ngày 23/12, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới".

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phan Chung Lý cho biết, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, thời kỳ vươn mình của dân tộc, với cơ hội lịch sử để định hình tương lai và gia tăng nguồn lực, làm giàu cho đất nước. Tổng bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Để biến cơ hội này thành hiện thực, yêu cầu quan trọng là kiên quyết phòng chống lãng phí. Việc chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, trở thành hành động “tự giác”, “tự nguyện” và là văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Cụ thể, cần nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài sản công và tài nguyên. Những hành vi lãng phí như sử dụng điện, nước không tiết kiệm, hay mất thời gian trong công việc đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển quốc gia. Để đạt được hiệu quả tối ưu, cần cải cách hệ thống quản lý và kiểm soát nguồn lực quốc gia.
TS. Nguyễn Trung Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, chỉ ra rằng lãng phí không chỉ tạo hiệu quả phát triển kinh tế giảm tốc mà còn làm tăng gánh nặng nợ công, làm chậm quá trình phát triển hạ tầng, xã hội và gây ra tác động xấu đến môi trường.

Đặc biệt, TS Nguyễn Trung Hậu nhấn mạnh, lãng phí không chỉ làm giảm niềm tin của Nhân dân vào chính quyền mà còn tạo ra bất bình đẳng xã hội khi nguồn lực không được sử dụng hiệu quả để cải thiện dịch vụ công và hỗ trợ người yếu thế. Đồng thời, tình trạng này cũng phản ánh yếu kém trong thể chế và quản trị, gây cản trở cho cuộc cải cách thể chế.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh tại hội thảo, để phòng chống lãng phí nguồn nhân lực, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”...
Rà soát sửa đổi bổ sung, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phòng chống lãng phí; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công...; có các hình thức khen thưởng, biểudương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có giải pháp làm lợi cho Nhà nước.
Cần cử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý dứt điểm các vụ án hình sự về tham nhũng, lãng phí. Trước mắt, phải lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạotạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội.
Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Cải cáchtriệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hoá quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới...
Cuối cùng, xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”... Chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa.