
Hội thảo “Định hướng công tác chuyển đổi số của Liên hiệp hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030”
Chiều 18/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA) đã tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng chuyển đổi số của Liên hiệp Hội Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2030" nhằm tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam.

Theo báo cáo tại Hội thảo, hiện tại VUSTA có156 hội thành viên (bao gồm: 93 Hội ngành toàn quốc, 63 LHH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 03 đơn vị sự nghiệp (gồm: Quỹ Vifotec, NXB Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống); 575 tổ chức KH&CN trực thuộc trải rộng trên cả nước.
VUSTA đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả làm việc và tiết kiệm tài nguyên. Một trong những ví dụ điển hình là việc tổ chức các cuộc họp, hội thảo trực tuyến. Nhờ hệ thống trang thiết bị hiện đại, VUSTA đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại, đồng thời tăng cường khả năng tương tác giữa các đại biểu.
Bên cạnh đó, VUSTA cũng đã tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp số hóa văn bản. Việc sử dụng mã QR để chia sẻ tài liệu, gửi văn bản qua email và Zalo đã trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần giảm thiểu đáng kể việc sử dụng giấy in và rút ngắn thời gian truyền đạt thông tin.
Việc số hóa văn bản không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn nâng cao hiệu quả làm việc. Cán bộ, công chức VUSTA đã quen thuộc với việc scan, lưu trữ và chia sẻ tài liệu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, cập nhật thông tin và hợp tác làm việc.
Những kết quả đạt được cho thấy VUSTA đã và đang từng bước chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, VUSTA cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức và xây dựng một hệ thống quản lý thông tin thống nhất.
Qua đó, có thể thấy VUSTA đang đóng vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các tổ chức khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam.
Một số hội thành viên, đơn vị sự nghiệp và tổ chức tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đã có những hoạt động tham gia chuyển đổi số khá mạnh mẽ như: Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang, Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ, Liên hiệp hội Tp. Hải Phòng, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số.
Đáng chú ý, trong hệ thống VUSTA cũng có nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số. “Đây là những điều kiện rất thuận lợi để VUSTA tập hợp chuyên gia, phát huy thế mạnh của nội bộ hệ thống, phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xây dựng đề án, kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số của VUSTA trong thời gian tới” TS Lê Công Lương phát biểu.

Dù vậy theo đại diện VUST chuyển đổi số còn nhiều thách thức, đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Dù nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đã được nâng cao, nhưng tiến độ triển khai vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế.
Một trong những hạn chế lớn là việc thiếu hụt về hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống CNTT hiện tại của VUSTA còn yếu kém, chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc tiếp cận thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, VUSTA vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các phương pháp làm việc truyền thống. Việc sử dụng văn bản giấy và các quy trình thủ công vẫn chiếm ưu thế, hạn chế khả năng ứng dụng các công cụ số để nâng cao hiệu quả làm việc.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là chưa có một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và đồng bộ. VUSTA chưa xây dựng được lộ trình chuyển đổi số cụ thể, cũng như chưa có những đề xuất về nguồn lực để thực hiện quá trình này. Việc thiếu vắng một kế hoạch tổng thể khiến cho các hoạt động chuyển đổi số diễn ra rời rạc và thiếu hiệu quả.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, VUSTA cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh trình bày tham luận.
PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số khuyến nghị, trong giai đoạn 2025 – 2030 chuyển đổi số của VUSTA nên chia theo lộ trình với 3 giai đoạn để có thểchuyển đối số toàn diện.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 – 2026) - giai đoạn nền móng, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số chi tiết; triển khai số hóa dữ liệu và hệ thống quản lý; đào tạo đội ngũ nòng cốt chuyển đổi số trong toàn hệ thống.
Giai đoạn 2 (2026 – 2028) – giai đoạn tích hợp và mở rộng, cần phát triển các công cụ phục vụ phản biện và phổ biến tri thức; hoàn thiện thư viện số và cổng thông tin khoa học; tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế qua nền tảng số.
Giai đoạn 3 (2029 – 2030) – giai đoạn hoàn thiện và mở rộng; theo đó, đồng bộ hóa toàn bộ hệ sinh thái số VUSTA, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa VUSTA trở thành trung tâm khoa học số hóa năng động.
Theo ông Hoàng Hữu Hạnh, nếu có chiến lược đúng đắn, Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống khoa học và công nghệ cả nước.