
Hải Hậu - Nam Định: Nhiều cảng cá trái phép ngang nhiên hoạt động
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đang nỗ lực tập trung quản lý, xử lý các cảng cá trái phép gây ô nhiễm môi trường, tập trung nhiều ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Vừa qua, Công an tỉnh Nam Định đã có văn bản số 6033/CAT-ANKT để gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cũng như UBND các huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng về việc quản lý, xử lý các bến cá tự phát trên địa bàn tỉnh.
Văn bản số 6033/CAT-ANKT
Theo đó, tỉnh Nam Định hiện có 1.716 tàu cá với tổng số lao động khai thủy sản trực tiếp trên biển là 5.294 người. Toàn tỉnh có 02 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào sử dụng 01 cảng cá loại I (Cảng cá Ninh Cơ) hiện đang tạm dừng một số hoạt động để cải tạo, nâng cấp và 01 cảng cá loại I (Cảng cá Thành Vui) đều có trụ sở tại huyện Hải Hậu; tỉnh Nam Định cũng đã phê duyệt đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 03 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Tuy nhiên, với số lượng tàu cá thống kê như trên thì các cảng cá, khu neo đậu không đủ đáp ứng nhu cầu cập bến của ngư dân.
Nắm bắt được vấn đề trên, một số người dân tại Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu; xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng đã tự ý đầu tư xây dựng các bến cá, bến dầu, bến cung cấp đá lạnh tự phát kiên cố trên bãi sông Ninh Cơ hoạt động thu mua sản phẩm thủy sản đánh bắt của ngư dân, đồng thời tổ chức bán dầu, đá cấp đông và nước ngọt cho tàu cập bến có nhu cầu.
Hoạt động của các bến cá, bến xăng dầu, bến cung cấp đá lạnh trên gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ thủy sản khai thác, việc nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác của các chú tàu (theo quy định mỗi chuyến đi biển phải nộp một lần) ảnh hưởng đến việc xóa bỏ "thẻ vàng" của CE đối với thủy sản Việt Nam.
Nguồn gốc đất tại các bến cá trên địa bàn Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng là đất bãi ven sông Ninh Cơ thuộc địa bàn Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng quản lý. Từ năm 2016 đến nay chính quyền các địa phương đã tổ chức cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn và một số nơi khác tại huyện Hải Hậu, huyện Nghĩa Hưng thuê để nuôi trồng thủy, hải sản theo Nghị quyết nhiệm kỳ hoạt động của HĐND (05 năm/1 lần) và có thu tiền thuê đất.
Quá trình sử dụng sau thanh lý hợp đồng các hộ dân thuê khoán đã tự ý sang nhượng cho các hộ khác, thỏa thuận diện tích, kinh phí trên giấy viết tay, tự ý xây dựng công trình kiên cố trên phần diện tích chuyển giao, lấn chiếm vào khu vực tuyến đê cửa sông Ninh Cơ, đóng cọc bê tông cốt thép, bên trên đổ sàn bê tông cốt thép làm cầu cảng đua ra mép ngoài bờ sông, gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Để phục vụ cho nhu cầu của các tàu cá cập bến, các chủ bến cũng đã xây dựng các nhà xưởng để sơ chế, cấp đông thủy sản, sản xuất đá, bán hàng ăn, giải khát… trên diện tích quản lý, chi phí đầu tư xây dựng lớn. Ngoài ra một số bến có xây dựng cây xăng dầu cung cấp cho các tàu có nhu cầu và có các tàu dầu hoạt động cơ động trên sông giữa hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ cao khi không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Trong văn bản cũng chỉ ra các hoạt động trên đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng, Luật hủy sản và các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, diễn ra trong thời gian dài, không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra, văn bản còn nêu: “Có thể thấy chính quyền các địa phương nêu trên qua nhiều thời kỳ có dấu hiệu buông lỏng quản lý về đất đai, đê điều, xây dựng , ngành nghề đặc biệt kinh doanh xăng dầu, kết hợp với nhau theo chỉ đạo của lãnh đạo địa phương; không thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khắc phục các tồn tại liên quan đến bến cá, đã làm ngơ tạo thuận lợi cho các bến trên hoạt động không đúng quy định, thu lợi nhuận”.
Thực tế ghi nhận tại các cảng cá của phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông cùng lãnh đạo UBND thị trấn vào sáng ngày 16/10, có thể thấy các cơ sở này vẫn “vô tư” hoạt động, bất chấp các quy định của Pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: các cơ sở này đã tồn tại nhiều năm nay và cuối năm 2023 vừa rồi UBND thị trấn cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và xử phạt về hành vi xây dựng trái phép, thời gian tới sẽ cố gắng xử lý dứt điểm.
Thừa nhận các sai phạm nêu trên, ông Phạm Văn Đ. (một chủ cơ sở kinh doanh tại tổ 9 Thị trấn Thịnh Long) mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, xây dựng cơ chế để được tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, đứng trước các yêu cầu ngày càng khắt khe của việc quản lý, hội nhập, những đề nghị trên của chủ cơ sở đều không hợp lý.
Tạp chí Môi trường Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
Ngày 03/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; khu vực đất bãi ven sông Ninh Cơ thuộc địa bàn Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng nằm trong quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 địa bàn tỉnh Nam Định. Theo Điều 80, Điều 85 của Luật Thủy sản 2017, Nghị định 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012, Thông tư 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định 80/2012/NĐ-CP chỉ quy định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; không đề cập đến bến cá. Do hiện nay cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các địa phương trên địa bàn cả nước số lượng hạn chế không đủ để đáp ứng nhu cầu cập tàu của ngư dân nên việc các bến cá truyền thống, bến cá tự phát vẫn tồn tại. Tuy nhiên, việc quản lý các bến trên cần sự quan tâm sát sao của các ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hệ thống chính quyền địa phương nơi có các bến, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì thực hiện theo quy định.
(Theo Tạp chí Môi trường Giao thông)