
Đường sắt đô thị - “xương sống” của giao thông công cộng trên thế giới
Với những ưu điểm vượt trội, đường sắt đô thị đã và đang trở thành “xương sống” của hệ thống giao thông công cộng của nhiều nước trên thế giới. Việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị không những giảm ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.
Nói đến hệ thống đường sắt đô thị không thể không nhắc đến đất nước "mặt trời mọc". Nhật Bản là nước tiên phong phát triển đường sắt đô thị, với mạng lưới trải rộng nhiều thành phố trên khắp cả nước, hiện đại và đồng bộ. Có được thành quả đó phải kể đến công tác quy hoạch phát triển đường sắt đô thị, bên cạnh đó là đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.
Hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng và quản lý vận hành theo hình thức hợp tác công tư bởi Tổng công ty Nhà nước Toei Subway và Công ty tư nhân Tokyo Metro. Tính trên tất cả các hệ thống tàu công cộng cả nước, trung bình một ngày Nhật Bản có khoảng gần 14 triệu lượt khách di chuyển. Với sự tiện ích, chính xác về thời gian, an toàn trong đi lại, con số dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.

Tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Bài học của Nhật Bản trong hơn một thế kỷ qua cho thấy đường sắt đô thị giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm ùn tắc và lượng khí thải, tiết kiệm thời gian, đẩy giá trị bất động sản lên cao. Ngoài ra, các công ty thu lợi khổng lồ từ hoạt động thương mại quanh các nhà ga.
Tại Trung Quốc, hệ thống đường sắt đô thị phục vụ khu vực thủ đô Bắc Kinh hiện có tổng cộng 27 tuyến hoạt động. Trong đó, tàu điện ngầm, tàu đệm từ tốc độ trung bình và thấp, xe điện hiện đại tạo thành hệ thống đường sắt đô thị bao phủ 12 quận nội thành ở Bắc Kinh và thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Tổng chiều dài đường sắt tại Bắc Kinh là 836 km với 490 nhà ga. Việc quy hoạch đường sắt đô thị Bắc Kinh bắt đầu vào năm 1953, tận dụng toàn diện không gian dưới lòng đất, trên mặt đất và trên cao, giúp tạo ra các vòng giao thông hiệu quả và thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhà ga và đô thị. Ước tính đến cuối năm 2025, tổng quãng đường hoạt động của tàu điện ngầm Bắc Kinh sẽ đạt 1.000 km.

Hệ thống đường sắt đô thị ở Trung Quốc ngày càng phát triển. (Ảnh: SCMP)
Singapore có hệ thống giao thông cộng cộng lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới, trong đó hệ thống đường sắt đô thị ra đời sớm thứ hai ở Đông Nam Á. Hệ thống đường sắt đô thị cao tốc MRT được xây từ những năm 1980 sau nhiều tranh cãi về giao thông đại chúng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hệ thống này đã đảm đương vai trò xương sống của hệ thống giao thông công cộng của Singapore. Hiện tại, hệ thống MRT Singapore đang có 84 ga đang hoạt động, toàn hệ thống đường sắt đô thị dài 130km, mỗi ngày vận chuyển hai triệu lượt khách.
Nhiều nước châu Âu cũng áp dụng mô hình phát triển đường sắt đô thị. Tại Đức, Chính phủ đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị ở hầu hết các đô thị lớn đến các thị trấn ở Đức. Hệ thống giao thông ở Đức được biết đến với sự hiệu quả và độ chính xác cao. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị bao gồm tàu điện ngầm (MRT) với 4 hệ thống đường sắt nhanh (S-Bahn); 14 hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn); đường sắt trọng tải nhẹ (LRT) với 2 hình thức, đặc biệt là tram-train và train-tram. Trong đó, S-Bahn là hình thức giao thông công cộng nhanh nhất. Đây là một loại hệ thống đường sắt đô thị ngoại ô, phục vụ một khu vực đô thị rộng lớn hơn, kết nối khu vực trung tâm thành phố với ga đường sắt chính. Đối với các hệ thống U-Bahn sẽ vận chuyển nhanh, thông thường chạy chủ yếu dưới lòng đất, hàng năm có cả trăm triệu lượt người sử dụng. Các tuyến tàu điện mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường bộ, lượng khí thải carbon và ô nhiễm đô thị liên quan đến việc di chuyển bằng ô tô tại vùng Thủ đô đông đúc.
Vùng thủ đô Paris của nước Pháp có hệ thống giao thông với rất nhiều loại phương tiện công cộng, như tàu điện ngầm Metro, hệ thống tàu địa phương, tàu điện, xe buýt. Hệ thống đường sắt đô thị Paris Metro được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nó không chỉ đơn thuần là nhà ga, bến tàu mà còn là những mê cung dưới lòng đất với các công trình lịch sử, bảo tàng, triển lãm. Tàu điện ngầm Paris gồm 16 tuyến với tổng chiều dài hơn 200km, hàng năm có cả trăm triệu lượt người sử dụng. Các tuyến tàu điện mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường bộ, lượng khí thải carbon và ô nhiễm đô thị liên quan đến việc di chuyển bằng ô tô tại vùng Thủ đô đông đúc.

Ngoài ra, mô hình TOD ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển. TOD (Transit Oriented Development) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, việc xây dựng mô hình TOD được coi là chìa khóa hữu hiệu giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Trong bối cảnh phát triển mới, việc xây dựng TOD đường sắt đô thị cần tập trung điều chỉnh chức năng đất đai, nâng cấp và tối ưu hóa các công trình dịch vụ hỗ trợ, xây dựng hệ thống giao thông chậm, không chỉ vươn tới với các khu đô thị mới mà còn kết nối với cả các khu đô thị cũ để tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Cùng với xu thế phát triển đường sắt đô thị trên thế giới, tại Việt Nam, các tuyến đường sắt đô thị mới bước đầu đưa vào hoạt động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đường sắt đô thị chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng ở Việt Nam.
Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông