
Đề xuất nguồn vốn đầu tư cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo hình thức PPP
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4063/VPCP-CN ngày 10/5/2025, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 để triển khai dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 426/TB-VPCP ngày 19/9/2024.
Hiện nay, Quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất kết nối TP Nha Trang và TP Đà Lạt. Tuyến đường này đi qua đèo Khánh Lê (dài khoảng 30 km) với địa hình hiểm trở, thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Với quy mô đường cấp IV–III, Quốc lộ 27C có khả năng thông hành tối đa khoảng 10.000 PCU/ngày đêm (tương đương khoảng 4.200 xe con), trong khi dự báo đến năm 2030 lưu lượng xe sẽ đạt 9.800–10.900 PCU, khiến tuyến đường này mãn tải trước thời hạn.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận tải hàng hóa trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển khu vực Nam Trung Bộ ngày càng tăng, trong khi tuyến đường hiện tại không đủ đáp ứng, đặt ra yêu cầu cấp bách phải đầu tư tuyến đường cao tốc mới an toàn, hiện đại hơn.
UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã đề xuất đầu tư trước mắt đoạn tuyến cao tốc dài 80,8 km, bắt đầu từ điểm giao với cao tốc Bắc – Nam phía Đông (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đến ngã ba Đarahoa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), kết nối với Quốc lộ 27C. Tuyến đường được thiết kế với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng từ 22–24,75m, vận tốc thiết kế 80–100 km/h.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang và Đà Lạt từ 3,5–4 giờ xuống chỉ còn khoảng 1,5–2 giờ. Dự án không chỉ giúp thúc đẩy phát triển du lịch với các tour kết nối biển – hoa, mà còn tạo trục ngang chiến lược kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông hiện hữu, đáp ứng nhu cầu vận tải – logistics ngày càng cao.