
Đề án “Giao thông thông minh” chính thức được phê duyệt, đưa Hà Nội từng bước hướng tới thành phố hiện đại
Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã được Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phê duyệt và ký ban hành Quyết định số 6369/QĐ-UBND vào ngày 11/12/2024. Sở GTVT đề xuất thực hiện qua 3 giai đoạn.

Đề án là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn; trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống...
Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố Hà Nội kết hợp với ý kiến tham gia góp ý của 3 tập đoàn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2025-2027): Hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp vào năm 2025 với 09 chức năng Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông (ứng dụng Hanoi Maps); Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 55 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3 và các trục xuyên tâm bên trong vành đai 3. Vận hành thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh.
Giai đoạn 2 (2028-2030): Bổ sung thêm 03 chức năng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp, gồm Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu; Mô phỏng giao thông.
Mở rộng phạm vi triển khai lắp đặt các thiết bị của Hệ thống giao thông thông minh ITS (Intelligent Transport System - ITS) ngoại vi cho 150 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, và các tuyến chính, trong đó số lượng camera là 1600 chiếc, 100VMS, 50 tủ điều khiển tín hiệu thích ứng. Nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông thông minh.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030): Hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng 12 chức năng của Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp đã hình thành trong giai đoạn trước.
Mở rộng phạm vi lắp đặt các thiết bị của Hệ thống giao thông thông minh ITS ngoại vi cho toàn thành phố cho 300 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ mạng lưới giao thông thành phố với 3000 camera, 100 tủ đèn tín hiệu thích ứng, 200 VMS.
UBND TP giao Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Thành phố, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" theo thẩm quyền và quy định, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp, lãng phí, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Công an Thành phố, các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội Vụ, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình phối hợp và hỗ trợ Sở Giao thông vận tải trong việc triển khai thực hiện. Mục tiêu là đảm bảo hiệu quả trong công tác xây dựng văn hóa giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.