
Đắk Lắk khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025
Tối 10/3, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 chính thức khai mạc tại Quảng trường 10/3 (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Tham dự Lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đại sứ, tổng lãnh sự các nước; lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay có chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" gồm 3 chương: Buôn Ma Thuột - Khát vọng Vươn xa; Buôn Ma Thuột - Hạt vàng đen Robusta; Buôn Ma Thuột - Thành phố Cà phê với đông đảo diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân… tham gia biểu diễn.
Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc gồm 3 chương: Buôn Ma Thuột - Khát vọng Vươn xa; Buôn Ma Thuột - Hạt vàng đen Robusta; Buôn Ma Thuột - Thành phố Cà phê với đông đảo diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân… tham gia biểu diễn.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, với diện tích cà phê khoảng 210.000 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 520.000 tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước. Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk đã có mặt gần trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lễ khai mạc Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề: “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà-phê thế giới”.
Lễ hội cà phê thực sự trở thành ngày hội để vinh danh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê. Thông qua các hoạt động của lễ hội, Đắk Lắk mong muốn giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ; truyền thống cách mạng đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất; tinh hoa văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo của đồng bào các dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là sự kiện rất có ý nghĩa, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3), chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa xuân năm 1975.
UBND tỉnh Đắk Lắk tặng hoa các đơn vị tài trợ.
Lễ hội cà phê không chỉ là sự kiện tôn vinh hạt cà phê Việt Nam, mà còn là diễn đàn mang tầm vóc toàn cầu, tầm nhìn cho một tương lai bền vững của ngành cà phê.
"Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, là sinh kế của hàng triệu nông dân, Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Cà phê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước", ông Hà nói.
Người dân khắp nơi đổ về TP Buôn Ma Thuột để xem chương trình.
Đến Việt Nam từ năm 1857, cây cà phê bắt rễ với vùng đất đỏ bazan và trở thành nét văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên, biểu tượng của sự giao lưu, kết nối Việt Nam với thế giới.
Có thể nói, cà phê Việt Nam, câu chuyện bên tách cà phê Việt Nam đã trở thành niềm cảm hứng cho hòa bình, hợp tác và sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, ngành cà phê Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: chất lượng chưa đồng đều; tỉ lệ chế biến sâu còn thấp; sản phẩm chưa đa dạng, phù hợp với thị hiếu; áp lực cạnh tranh và tiêu chuẩn thị trường ngày càng cao, điển hình là quy định chống phá rừng của EU; suy giảm năng suất do biến đổi khí hậu...
Chuơng trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông Hà cho rằng để nâng tầm chất lượng, thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam, các bên liên quan cần chia sẻ chung tầm nhìn chiến lược về quy hoạch, xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao, phát thải thấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất chế biến.
"Tiếp tục nghiên cứu, phát triển giống cây cà phê chịu hạn, kháng sâu bệnh, đồng thời ứng dụng công nghệ canh tác thông minh để giảm thiểu tác động đến môi trường", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Theo ông Trần Hồng Hà, ngành cà phê Việt Nam hiện đang hướng tới phát triển bền vững, nâng cao, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt trên 5 tỉ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.
Trong đó, Đắk Lắk - "thủ phủ cà phê của Việt Nam" đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu. Thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.