
CSGT Thừa Thiên Huế tăng cường đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức ra quân tăng cường cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, từ 1/10 đến hết 31/10/2024, lực lượng CSGT Thừa Thiên Huế triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên toàn địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của phụ huynh và các em học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với các em học sinh.

Ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm ATGT đối với lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt.
Cụ thể, tập trung xử lý các hành vi vi phạm như điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép…

Lực lượng CSGT tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (thành Phố Huế) cho biết, hằng năm nhà trường phối hợp với CSGT thành phố Huế tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh. Nhà trường cũng nghiêm cấm các em sử dụng xe máy có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên đến trường. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều trường hợp học sinh vi phạm trốn tránh bằng cách gửi xe bên ngoài hoặc cất giấu ở các con hẻm trước khi vào trường.

Cơ quan chức năng làm việc với các chủ bãi giữ xe yêu cầu nghiêm cấm trông giữ xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 cho các em học sinh.
“Để giảm thiểu tình trạng vi phạm luật giao thông ở lứa tuổi học sinh, ngoài việc tuyên tuyền Luật Giao thông đường bộ đến học sinh các trường học, lực lượng CSGT cần đẩy mạnh ra quân xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đề nghị phụ huynh, chủ các bãi giữ xe tuyệt đối không giao xe, trông giữ xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 cho các em học sinh, nhằm đảm bảo an toàn và tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Dũng chia sẻ.
Để xây dựng ý thức tham gia giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT thường xuyên kết hợp tuyên truyền học sinh, phụ huynh không được tái phạm những vi phạm. Nhất là với những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông như phụ huynh, học sinh dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông; phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi đến trường; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ cho học sinh.
Tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô. Tại điểm đ, Khoản 5, Điều 30 quy định rõ: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 của Luật GTĐB điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của phụ huynh và các em học sinh; bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với các em học sinh.

Đối với các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng CSGT đều yêu cầu phụ huynh đến làm việc, ký cam đoan, cam kết không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Ngoài công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm của lực lượng CSGT, để tăng cường bảo đảm TTATGT địa bàn, nhất là đảm bảo ATGT đối với học sinh cần có sự vào cuộc chung tay hành động của nhiều cơ quan, ban, ngành và cộng đồng.
“Thời gian tới, các trường học trên địa bàn tỉnh cần chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông để trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Chính các em học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực, giúp những người trong gia đình, cộng đồng cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Từ đó góp phần kìm giảm số vụ tai nạn xảy ra, tăng cường đảm bảo trật tự ATGT địa bàn”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Theo Tạp Chí Môi Trường Giao Thông