
Công an TP Huế tạo điều kiện tốt nhất để người dân đến cấp, đổi GPLX, người dân phấn khởi
Hiên nay, công an đã chính thức đảm nhận công tác tiếp nhận hồ sơ sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe. Với tinh thần chủ động và quyết tâm, Công an TP Huế đã tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp, đổi Giấy phép lái xe (GPLX) một cách bài bản, khoa học nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Huế, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xử lý thủ tục hành chính sau khi bỏ Công an cấp huyện, đơn vị cũng đã điều chỉnh địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký phương tiện; sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Cụ thể, Phòng CSGT Công an TP Huế đã bố trí 11 điểm tiếp nhận, cấp đổi GPLX gồm: Điểm tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công TP Huế (số 1 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa); điểm tiếp nhận tại Công an phường Phong Thu (số 22-26 Nguyễn Văn Chương, phường Phong Thu, thị xã Phong Điền); điểm tiếp nhận tại Công an phường Tứ Hạ (số 5 Thống Nhất, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà).

Điểm tiếp nhận tại Công an thị trấn Sịa (số 172 Nguyễn Vịnh, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền); điểm tiếp nhận tại Công an phường Hương Sơ (số 145 Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ, quận Phú Xuân); điểm tiếp nhận tại Công an thị trấn Phú Đa (đường Võ Phi Thắng, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang); điểm tiếp nhận tại Công an thị trấn Phú Lộc (số 156 Lý Thánh Tông, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc).
Điểm tiếp nhận tại Công an thị trấn A Lưới (số 167 đường Hồ Chí Minh, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới); điểm tiếp nhận tại Công an thị trấn Khe Tre (số 178 Khe Tre, thị trấn Khe Tre, huyện Phú Lộc; điểm tiếp nhận tại Công an phường Phú Bài (số 78 Sóng Hồng, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) và điểm tiếp nhận tại Công an phường Phú Nhuận (số 56 Hùng Vương, phường Phú Nhuận, quận Thuận Hóa, TP Huế).
Hiện nay, theo quy định mới, người có bằng lái xe cơ giới đường bộ nếu để quá hạn dù chỉ 1 ngày cũng sẽ phải thi lại lý thuyết để được cấp lại bằng. Chính vì vậy, việc người dân đến điểm tiếp nhận của Phòng CSGT Công an TP Huế để được lực lượng chức năng hướng dẫn thủ tục cấp lại GPLX tăng cao.
Theo Phòng CSGT TP Huế cho biết, việc sát hạch, cấp, đổi GPLX xe cơ giới đường bộ đòi hỏi chuyên môn sâu và quy trình chặt chẽ, đơn vị đã chủ động tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ được phân công thực hiện nhiệm vụ với các nội dung như: Quy trình tổ chức và sát hạch cấp GPLX; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác đào tạo, sát hạch và cấp mới, cấp đổi, cấp lại GPLX; việc ứng dụng công nghệ, phần mềm quản lý trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX... Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn được hướng dẫn một số nhiệm vụ của sát hạch, hướng dẫn quy trình sát hạch lái xe các hạng, kỹ năng thực hành lái xe các loại.

Để làm tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, Phòng CSGT TP Huế đã chuẩn bị cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện đại. Đồng thời bố trí các cán bộ, chiến sĩ có năng lực về công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật nhằm đảm bảo công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp, đổi GPLX cho người dân.
Tại các địa điểm tiếp nhận, cấp đổi GPLX nói trên, lực lượng CSGT làm việc từ thứ Hai đến sáng thứ Bảy để phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính. Khi người dân thực hiện cấp đổi, cấp lại GPLX cần thực hiện hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại GPLX theo mẫu quy định; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở khám chữa bệnh đủ tiêu chuẩn cấp (trừ người có GPLX hạng A1, A, B1); bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực của GPLX, CCCD, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài).
Việc thực hiện việc cấp, đổi GPLX theo quy định mới, ngoài đến làm trực tiếp tại cơ quan công an, người dân còn có thể chủ động thực hiện các thủ tục trực tuyến tại nhà và không tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại. Ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công rõ ràng để sớm tiếp cận, thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách khoa học, hiệu quả, liên tục, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân.