
Cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi lái xe bị phạt như thế nào?
Hành vi điều khiển phương tiện giao thông nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều hệ luỵ.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Đồng thời, Luật cũng nghiêm cấm hành vi giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
Khi vi phạm những quy định trên thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ phương tiện (phụ huynh) lẫn người điều khiển xe (học sinh) có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
Về phía chủ xe:
Theo điểm đ khoản 5 điều 30 Nghị định 03/VBHN-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ thì chủ xe có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức) đối với hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Nếu hành vi giao xe trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng và cao nhất là 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Về phía người điều khiển xe:
Theo khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 03/VBHN-BGTVT quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới thì phạt cảnh cáo (đối với người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi) và phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (đối với người từ đủ 16 tuổi - dưới 18 tuổi) khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xilanh từ 50 cm3 (cc) trở lên.
Nếu hành vi điều khiển xe gây tai nạn mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng và cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội danh theo Điều 260 này.