
Cao tốc thúc đẩy Lâm Đồng phát triển toàn diện
Khi Dự án cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ giúp kết nối giao thông, còn đưa nền kinh tế 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển; thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế, xã hội với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh.
Để thúc đẩy Lâm Đồng phát triển toàn diện, cần phải hội tụ nhiều yếu tố, khi Dự án cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, không chỉ giúp kết nối giao thông, còn đưa nền kinh tế 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển; thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế, xã hội với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh.
Không có gì khó hiểu, khi hạ tầng luôn là yếu tố then chốt và được xem là cánh cửa mở rộng phát triển nền kinh tế, đô thị và du lịch. Bởi vậy, hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương ngoài việc rút ngắn thời gian di chuyển thì còn góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa và khơi thông dòng vốn đầu tư để bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.
Cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Hai dự án cao tốc này có tổng chiều dài hơn 140 km. Riêng dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nối huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai đến thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng, có tổng chiều dài 66 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55 km, chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn huy động khoảng 10.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu tổng mức đầu tư dự án tới nay có thay đổi, dự kiến tổng mức đầu tư 18.120 tỷ đồng, sắp khởi công xây dựng. Dự án hứa hẹn khi hoàn thành sẽ là trục đường chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp giảm tải Quốc lộ 20 nối liền TP Đà Lạt với tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ; với hệ thống giao thông hiện có, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Chính vì thế, khi hoàn thành tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nói riêng, Dầu Giây - Đà Lạt nói chung, ngoài việc thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.

Hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP. Bảo Lộc nói riêng. Từ đây, thời gian di chuyển giữa các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc cũng sẽ được thuận lợi hơn. Đồng thời cao tốc này sẽ góp phần giảm tải áp lực lưu thông cho đèo Bảo Lộc, quốc lộ 20 và cả tỉnh lộ ĐT.725…Đặc biệt tuyến cao tốc này hoàn thành giúp giảm thời gian vận chuyển, sẽ giảm giá thành trong mọi sản phẩm, nhất là nông sản, khoáng sản, thu hút lượng khách dụ lịch, …thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh nhà…
Với quyết tâm lớn cùng nhiều giải pháp quyết liệt của các bộ, ngành, cùng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai, thực hiện; không chỉ hiện thực hóa ước mơ cao tốc của người dân, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20, đồng thời kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Lạt đi TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ mất 3 giờ đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay, mà còn góp phần thúc đẩy tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện.