
Cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, bước đầu "xanh" hoá giao thông
Theo ý kiến chuyên gia và nhiều người dân đây là hướng đi tất yếu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giải pháp bền vững để xây dựng thủ đô xanh, sạch và văn minh. Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp đồng bộ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về các nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội được yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp mạnh mẽ. Đáng chú ý, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Tuyến đường vành đai 1 bao gồm các tuyến đường, phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.

Theo ông Phạm Văn Xuân - Phó Chủ tịch Hội Môi trường giao thông vận tải Việt Nam, việc Nhà nước cấm xe máy xăng trong khu vực đường Vành đai 1 (VĐ1) là một chủ trương đúng đắn. Lộ trình chuyển đổi giao thông xanh, theo hướng hài hoà và đồng hành với quyền lợi của người dân, hướng cho người dân sử dụng giao thông thông minh, xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Xuân cho biết, việc cấm xe máy xăng chưa thể giải quyết được bài toán về vấn đề ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính trong khu vực đường VĐ1.
Ông Phạm Văn Xuân - Phó chủ tịch Hội Môi trường giao thông Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương đúng đắn của Nhà nước.
"Cần phải hiểu rõ, việc cấm xe máy xăng trong khu vực đường VĐ1 để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là chưa đúng. Khi các phương tiện ô tô, xe máy ở khu vực khác hoạt động sẽ phát khí thải, khuếch tán vào trong không khí và lan toả rộng khắp, nên chưa thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng đang từng bước thực hiện theo lộ trình, cần phải có các giải pháp đồng bộ đi kèm thêm vào đó là kết hợp toàn diện giữa chính sách, cơ sở hạ tầng và ý thức của người dân", vị chuyên gia này phân tích.
Để "xanh" hoá giao thông trong VĐ1, theo ông Phạm Văn Xuân trước mắt cần tăng cường kết nối giao thông công cộng như tầu điện trung chuyển, tăng cường các tuyến xe buýt (cỡ nhỏ), vỉa hè cho người đi bộ được thông suốt. Việc lắp đặt các trạm sạc cho xe điện đạt chuẩn về PCCC cũng phải trở nên phổ biến tại khu dân cư, nơi làm việc, khu vui chơi giải trí...
Nói về lộ trình tiếp theo, từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2. Từ năm 2030, tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3. Ông Phạm Văn Xuân cho hay, "rất khó để nhận định lộ trình đó nhanh, hay chậm do cơ quan chức năng chưa công bố các thông tin về các giải pháp đồng bộ đi kèm".
Theo anh Nguyễn Mạnh Chuyên để di chuyển quãng đường xa, xe máy xăng vẫn là "chân ái".
Khảo sát một số người dân sinh sống và làm việc tại khu vực trong đường VĐ1, đều có quan điểm đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ băn khoăn nếu ở ngoại thành đi xe máy xăng vào khu VĐ1 sẽ tiếp tục di chuyển như thế nào, hoặc chính sách hỗ trợ đổi xe của thành phố ra sao?
Cụ thể, anh Nguyễn Mạnh Chuyên, trú tại xã Tiến Thắng (Hà Nội) cho biết, chủ trương của Nhà nước là đúng, nhưng cảm thấy thời hạn thực hiện có vẻ hơi "gấp" vì giao thông kết nối chưa có tính đồng bộ.
"Tôi ở ngoại thành vào nội thành làm việc, cả đi lẫn về hơn 60 km/ngày di chuyển xa bằng xe máy điện thấy bất tiện vì thời gian chờ sạc lâu, trạm sạc chưa phổ biến. Nếu đi xe máy xăng đến VĐ1 muốn đi thuê xe máy điện, hoặc xe buýt để đi tiếp nhưng chưa thấy thành phố quy hoạch những điểm trung chuyển như vậy", anh Chuyên bày tỏ.
Anh Đoàn Chính Thuần, người dân phường Hồng Hà sẵn sàng đổi xe máy xăng sang xe điện
Một trường hợp khác, anh Đoàn Chính Thuần, người dân phường Hồng Hà chia sẻ: "Những quyết sách của nhà nước hướng tới lợi ích cộng đồng, tốt cho người dân cần phải nhiệt liệt ủng hộ". Tuy nhiên, anh cũng có băn khoăn: "Tuần trước đi tham khảo chương trình đổi xe máy xăng sang xe máy điện của đại lý Vinfast thấy họ định giá chưa hợp lý, xe SH mới mua dùng được hơn năm mà mất khoảng 30% giá trị xe. Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ phù hợp tôi sẵn sàng chuyển sang dùng xe điện".
Theo Tạp chí Môi trường Giao thông!