
Bắc Ninh chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an toàn giao thông sau khi tổ chức lại bộ máy
Sau khi tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý các “điểm đen” và hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn vừa ký ban hành văn bản số 247/UBND-KTN, yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đây là động thái nhằm thích ứng với việc tái cơ cấu bộ máy hành chính và tăng cường hiệu quả quản lý sau khi tỉnh Bắc Ninh (mới) chính thức hoạt động theo mô hình hai cấp từ ngày 1/7/2025.
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này.
Công an tỉnh được giao chủ trì rà soát, đề xuất xử lý các “điểm đen”, điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, các khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện các phương án phân luồng, điều tiết giao thông, xử lý ùn tắc tại các khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, trung tâm đô thị. Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông.
Các phương tiện tham gia giao thông tại Khu công nghiệp Vân Trung vào giờ cao điểm (Ảnh minh họa)
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xử lý nghiêm các vi phạm của lái xe, doanh nghiệp vận tải và các cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị rà soát, bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông, bảo đảm tổ chức giao thông khoa học, hiệu quả.
UBND tỉnh yêu cầu đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, bảo đảm an toàn trong thi công. Những công trình không thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông và môi trường cần bị kiểm tra, xử lý nghiêm.
Các đơn vị, địa phương phải thống kê, rà soát toàn bộ “điểm đen”, điểm bất hợp lý, xây dựng kế hoạch xử lý. Trường hợp đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Tại cấp cơ sở, UBND các xã, phường cần tổ chức tạm thời Ban An toàn giao thông cấp xã và ban hành quy chế hoạt động tạm thời, nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất, liên thông từ trung ương đến địa phương.
Một số nhiệm vụ cụ thể tại cơ sở gồm: xây dựng kế hoạch phối hợp các phòng, ban trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trông giữ xe trái phép tại cổng trường, tiếp nhận và bảo vệ hạ tầng giao thông đối với các tuyến đường huyện được chuyển về quản lý.