
Những điều cần tránh khi sử dụng xe ô tô số tự động, tài xế cần nắm rõ
Dù xe ô tô số tự động ngày càng phổ biến nhờ sự tiện lợi, nhưng nhiều tài xế vẫn mắc những thói quen sai lầm tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc và mất an toàn.
Chuyển số khi xe chưa dừng hẳn
Một trong những sai lầm phổ biến nhưng lại gây hại nghiêm trọng nhất cho xe số tự động là chuyển đổi giữa các chế độ D (Drive – lái), R (Reverse – lùi) và P (Park – đỗ) khi xe vẫn đang di chuyển.
Việc này không chỉ nguy hiểm về mặt an toàn, mà còn là một “án tử” cho hộp số. Hệ thống hộp số tự động được thiết kế với độ chính xác cao, yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bánh răng và cơ cấu truyền động.
Giữ nguyên chế độ lái khi đỗ xe
Khi dừng xe ở bãi đỗ, lề đường hay bất kỳ nơi nào ngoài luồng giao thông, việc đơn giản nhưng rất quan trọng bạn cần làm là chuyển cần số về chế độ P và nhấc chân khỏi bàn đạp phanh. Một số tài xế vì tiện lợi hoặc nôn nóng lại có thói quen giữ nguyên chế độ lái (D) và đạp phanh khi chờ đón người hoặc dừng tạm. Về lâu dài, hành động tưởng như vô hại này có thể khiến động cơ bị nóng lên không cần thiết, bởi hệ thống vẫn hoạt động ở chế độ sẵn sàng di chuyển.
Nếu lặp lại thường xuyên, nhiệt độ động cơ sẽ tăng cao dần theo thời gian và có thể dẫn đến tình trạng quá nhiệt, nguyên nhân phổ biến gây ra hư hỏng nghiêm trọng cho các linh kiện bên trong.
Nhấn ga đột ngột
Việc đạp hết ga ngay khi xe vừa khởi động, hay còn gọi là “phóng” là một trong những cám dỗ phổ biến, đặc biệt với những tài xế mới.
Trong điều kiện thời tiết lạnh, hậu quả còn nghiêm trọng hơn vì dầu nhớt chưa kịp làm nóng và lưu thông hiệu quả, khiến các chi tiết kim loại ma sát trực tiếp với nhau, một kịch bản lý tưởng để dẫn đến hư hỏng sớm.
Dù bạn đang vội hay đơn giản là muốn thử cảm giác mạnh, hãy nhớ tăng tốc từ từ, đều đặn mới là cách lái xe thông minh, vừa an toàn, vừa giúp bảo vệ tuổi thọ xe về lâu dài.
Bỏ qua đèn cảnh báo động cơ Check Engine
Trong số những tín hiệu cảnh báo trên bảng điều khiển ô tô, đèn Check Engine (kiểm tra động cơ) có lẽ là biểu tượng gây bối rối nhất. Nó thường bật sáng một cách bất ngờ, không kèm theo dấu hiệu rõ ràng nào về sự cố, thậm chí đôi khi còn tự biến mất.
Chính sự mơ hồ đó khiến nhiều tài xế chủ quan, chọn cách phớt lờ với hy vọng “mọi chuyện sẽ ổn”. Nhưng cũng như những rắc rối trong cuộc sống, việc làm ngơ không phải là giải pháp hay.
Những trục trặc này nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng, tốn kém hàng chục triệu đồng để sửa chữa.